Điều tra đường dây mua bán bộ phận cơ thể người chết: Thị trường “chợ đen” sôi động trong khi trường Y thiếu xác

(PLO) - Sự cạnh tranh từ các công ty môi giới đã khiến số lượng thi thể được hiến tặng cho các trường y để phục vụ cho việc đào tạo sinh viên giảm đáng kể và không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Giáo sư ở trường Luật Boston Ray Madoff.

Trường y gặp khó

 “Mọi người vẫn có quan điểm lãng mạn rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu họ hiến thi thể của mình nhưng họ không biết rằng có những công ty thu lợi từ chính những thi thể”, bà Ray Madoff – một giáo sư ở trường Luật Boston chuyên nghiên cứu về luật pháp của Mỹ trong việc xử lý các tình huống liên quan đến người chết, nhận xét.

Theo thông tin do chính Công ty có tên “Chăm sóc Khoa học” công bố, trong năm 2016, công ty này đã nhận được khoảng 5.000 thi thể từ những người hiến tặng. 

Tuy nhiên theo số liệu lưu trữ , trong vòng 5 năm từ năm 2011 đến 2015, công ty đã nhận được ít nhất 17.000 thi thể và đã bán hoặc cho thuê hơn 51.500 bộ phận cơ thể người. Lợi nhuận mà công ty thu về không hề nhỏ. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, doanh thu hàng năm của công ty này là khoảng 27 triệu USD. 

Giới chức từ các trường y ở các bang Pennsylvania và Florida cho rằng sự cạnh tranh từ Công ty Chăm sóc Khoa học và các công ty môi giới khác đã khiến số lượng thi thể được hiến tặng cho các trường y để phục vụ cho việc đào tạo sinh viên đã giảm đáng kể. 

Trên thực tế, các điều khoản mà Công ty Chăm sóc Khoa học đưa ra để mời mọi người hiến thi thể bao gồm nhiều điều khoản hấp dẫn hơn so với các trường y. 

Ví dụ, công ty khẳng định sẽ tự đến lấy thi thể và bỏ tiền lo chi phí tang lễ cho người hiến tặng. 

“Chúng tôi mất đi nhiều thi thể hiến tặng vì các công ty như vậy. Hiện, số thi thể mà chúng tôi cần để phục vụ cho việc đào tạo không đáp ứng được đủ nhu cầu. Hiện nay, trong phòng thí nghiệm của sinh viên năm nhất, 6 em phải tiến hành nghiên cứu trên 1 thi thể được hiến tặng trong khi lẽ ra tỉ lệ này phải là 3 hoặc 4 em với mỗi người hiến tặng”, bà Clariza Murray – thành viên của Tổ chức tặng ký hiến tặng thi thể, cơ quan điều phối quy trình hiến tặng thi thể của bang Pennsylvania, cho hay.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành hiện tại của Công ty Chăm sóc Khoa học Brad O'Connell khăng khăng rằng hoạt động của công ty không hề gây tổn hại mà ngược lại đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc hiến cơ thể. 

Điều đáng nói, dù mẫu văn bản đồng thuận nêu rõ Công ty Chăm sóc Khoa học là công ty hoạt động vì lợi nhuận nhưng công ty không hề cho biết các bộ phận hay cả thi thể người hiến tặng sẽ được bán đi. 

Vì lẽ đó, bà Gail Williams-Sears – một y tá ở Newport News, bang Virginia – cho biết cả bà lẫn cha bà đều không hề hay biết rằng Công ty Chăm sóc Khoa học có thể thu về lợi nhuận từ những thi thể được hiến tặng. 

Theo bà Williams-Sears, ông John M. Williams Jr – cha của bà, vốn là một cựu binh từng tham gia Chiến tranh thế giới II và Chiến tranh Triều Tiên – vốn là một người rất tiết kiệm. “Cha tôi nghĩ rằng việc bỏ ra một số tiền lớn để được chôn xuống đất là việc nực cười”, bà Williams-Sears kể lại. 

Ông M. Williams Jr từng có bằng thạc sỹ về công tác xã hội. Trước khi qua đời, ông có nhiều năm làm việc trong chính quyền bang Maryland về công tác bảo vệ trẻ em. Chính sự quan tâm đến y tế, niềm tin vào những điều tốt đẹp và cả những câu chuyện đẹp về khoa học đã khiến ông M. Williams hiến thi thể. 

Sau khi ký bản cam kết hiến tặng cơ thể, mỗi khi có vấn đề gì phải vào viện, ông M. Williams đều mang theo văn bản về việc hiến tặng thi thể để phòng trường hợp ông sẽ chết. Năm 2013, ông M. Williams qua đời, hưởng thọ 88 tuổi. 

Mọi thứ đều có thể quy ra tiền, trong ảnh: phần bàn tay sẽ có giá 250 USD.

Ngay sau đó, thi thể ông được Công ty Chăm sóc Khoa học lấy đi. “Tôi không nhớ chi tiết nào trong văn bản đồng thuận nói rằng họ sẽ bán thi thể cha tôi. Tôi nghĩ rằng thi thể cha sẽ được sử dụng vào mục đích nghiên cứu. Tôi cũng không nghĩ được rằng có ai đó lại kiếm tiền từ mục đích thiện nguyện của người khác. Việc đó khiến người ta nghĩ rằng con người đang kiếm tiền từ mọi thứ”, bà Williams-Sears nói sau khi biết được những việc mà Công ty Chăm sóc Khoa học đã làm. 

Những khoản lợi kếch sù

Năm 2004, chủ của công ty Chăm sóc Khoa học là Jim Rogers mở văn phòng thứ 2 ở gần Denver và chuyển mô hình kinh doanh sang hoạt động vì lợi nhuận. 

Trong Kế hoạch chiến lược năm 2007, Công ty Chăm sóc Khoa học kêu gọi tiến hành một chiến dịch marketing tích cực nhằm tăng tỉ lệ người hiến thi thể và tích cực nhắm vào những khách hàng mới. Đến năm 2008, công ty công bố kế hoạch phát triển quy mô quốc gia trong giai đoạn 2009 – 2011.

Theo bản kế hoạch, chi phí cho hoạt động quảng bá nhằm thu hút người hiến thi thể là 46 USD/mỗi thi thể. Đổi lại, mỗi thi thể sẽ mang lại cho công ty đến 6.392 USD, trong đó lợi nhuận ròng là 677,55 USD/mỗi thi thể. Cũng theo bản kế hoạch, công ty đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi số thi thể được hiến tặng lên 3.886 USD vào năm 2011. Theo hồ sơ của giới chức cơ quan y tế New York, Chăm sóc khoa học đã gần như đạt được mục tiêu đề ra.

Đến tháng 9/2009, công ty đã đạt được thành tích kinh doanh tốt nhất trong lịch sử. Hoạt động của Chăm sóc Khoa học tốt đến mức 3 giám đốc điều hành công ty đã đột ngột nghỉ việc để thành lập công ty mới của họ có tên Viện GenLife. 

Sự ra đi của những người này còn khiến Công ty Chăm sóc khoa học đâm đơn kiện họ đánh cắp bí mật thương mại. Theo đơn kiện, công ty này cáo buộc các giám đốc điều hành cũ đã sử dụng thông tin khách hàng, marketing, giá cả cũng như thông tin liên lạc của các nhà tang lễ, nhà tế bần, trường y và các đơn vị sản xuất thiết bị liên quan của công ty để phục vu cho hoạt động của công ty mới. 

“Chúng tôi đã đầu tư hàng triệu USD để tiếp thị việc hiến thi thể nhưng họ lại muốn sử dụng những thông tin đó để cạnh tranh”, đơn kiện viết. Vụ kiện được dàn xếp vào năm 2012 nhưng những tranh cãi qua lại đã khiến các thông tin liên quan đến Chăm sóc khoa học bị công bố.

Sau năm 2012, công ty vẫn phát triển mạnh mẽ. Điều này thể hiện ở việc thu nhập tính thuế cặp vợ chồng đồng sở hữu công ty là Jim và Josie Rogers lên đến 15,1 triệu USD, trong đó tổng số tiền mà họ kiếm được từ công ty môi giới thi thể lên đến 12,5 triệu USD. Nhờ đó mà họ mua được nhiều bất động sản có giá trị lớn mà mua cả máy bay riêng. Khi đã trở nên giàu có, họ bán công ty đi. 

Chủ mới của Công ty chăm sóc khoa học là Northlane Capital. Trong số những cổ đông của công ty có Tập đoàn Potpourri – một đơn vị kinh doanh đa ngành, bao gồm cả công ty chuyên kinh doanh vải tới sàn giao dịch trực tuyến bán đủ các thể loại từ dụng cụ làm vườn tới đồ chơi tình dục. 

Tháng 2/2017, Northlane Capital cũng đã mua thêm một công ty môi giới thi thể lớn khác và tiến hành sáp nhập công ty này với Công ty chăm sóc khoa học. Ngoài ra, trong kế hoạch kinh doanh, công ty này cũng đang có kế hoạch mua thêm 2 công ty chuyên kinh doanh các bộ phận cơ thể người khác. Điều này cho thấy giới lãnh đạo công ty đã được hưởng lợi và nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của công ty.

Ông Rob Montemorra – từng là người đứng đầu đơn vị điều tra chống lừa đảo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của FBI – cho rằng việc bán thi thể người chết là hợp pháp. Nhưng nếu có người nào đó được hưởng lợi từ việc này thì đó phải là người thân của người quá cố. 

Đọc thêm