“Cha đẻ” các nghiên cứu bệnh tâm lý ở trẻ
Nhắc đến cái tên Hans Asperger, nhiều người sẽ ngay lập tức cảm thấy “quen quen”. Bởi thực tế, tên của vị bác sỹ người Áo này đã được lấy để đặt cho Hội chứng Asperger - một dạng rối loạn phổ tự kỷ tác động đến khả năng giao tiếp, kỹ năng giao tiếp trong xã hội, cảm xúc và hành vi của cá nhân.
Sinh ở Vienna, Áo, Hans Asperger là con cả trong một gia đình có 3 người con. Ngay từ khi còn nhỏ, Asperger thường gặp khó khăn trong việc kết bạn và được nhiều người xem là một đứa trẻ khó gần, đơn độc. Có điều, cậu ta lại rất giỏi về ngôn ngữ. Khi trưởng thành, Asperger theo học ngành y ở trường Đại học Vienna. Tốt nghiệp, ông ta được nhận vào làm việc tại Bệnh viện nhi của trường. Đến năm 1932, Asperger trở thành giám đốc của đơn vị giáo dục đặc biệt tại phòng khám nhi của bệnh viện trường.
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II, Asperger tiếp tục tham gia việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng, trong đó đặc biệt là trẻ em. Đến năm 1945, ông có bước thăng tiến lớn khi được cho giữ chức giám đốc của phòng khám nhi thành phố. Về sau, ông được bổ nhiệm làm trưởng khoa Nhi tại trường Đại học Vienna và giữ chức vụ này trong suốt 20 năm. Năm 1977, Asperger trở thành giáo sư danh dự của trường và qua đời sau đó 3 năm.
Hans Aspergerd từ lâu được xem là người tiên phong trong việc nghiên cứu về tự kỷ, là người có những công trình nghiên cứu mang tính đột phá về các bệnh tâm lý ở trẻ em. Năm 1944, ông ta lần đầu tiên sử dụng cụm từ “bệnh tâm thần tự kỷ” để miêu tả tình trạng khuyết tật này. Tuy nhiên, phải đến năm 1981, một năm sau khi Asperger đã qua đời, cái tên Hội chứng Asperger mới được bác sỹ tâm lý người Anh Lorna Wing – người sáng lập Hội người tử kỷ Anh - sử dụng.
Những người mắc phải Hội chứng Asperger có những biểu hiện bên ngoài tương tự như người bị tự kỷ song có nhận thức, giao tiếp xã hội và khả năng ngôn ngữ tốt hơn. Những người mắc dạng tự kỷ này, bao gồm cả trẻ em và người lớn dễ trở thành nạn nhân của sự bắt nạt hoặc chọc ghẹo nhưng một số lại có chỉ số thông minh rất cao và có năng lực đặc biệt trong một số lĩnh vực.
Nhiều người cho rằng hai nhà bác học lừng danh thế giới là Einstein và Newton đã mắc phải Hội chứng Asperger. Kể từ năm 2009, ngày 18/2 - ngày sinh nhật của Asperger – được chính phủ một số nước tuyên bố là Ngày quốc tế Asperger.
“Đồ tể” thời Đức quốc xã
Tuy nhiên, di sản của vị bác sỹ trên trong năm 2018 đã bị phủ bóng bởi cáo buộc cho rằng vị bác sỹ này đã hợp tác với Đức Quốc xã và tích cực hỗ trợ chương trình sát hại những trẻ bị tàn tật do Đức Quốc xã triển khai.
Trong bài viết được đăng tải trên tạp chí Molecular Autism gần đây, Tiến sĩ Herwig Czech của trường Đại học Vienna sau 8 năm mày mò, tìm kiếm những tư liệu về Đức Quốc xã chưa từng được công bố trong các kho lưu trữ quốc gia của Áo kết luận, bác sỹ Asperger dù chưa từng tham gia đảng Quốc xã nhưng đã tham gia vào chương trình trẻ tự kỷ của Đức Quốc xã – chương trình được tiến hành với mục tiêu thiết lập một xã hội “thuần khiết” bằng cách loại bỏ những người được xem là “gánh nặng” cho xã hội.
Tiến sỹ Czech cho rằng, bác sỹ Asperger có chung quan điểm với đảng Quốc xã trong vấn đề triệt sản và chủng tộc. Ông ta quan niệm rằng, cũng giống như việc bác sĩ phải thực hiện mổ xẻ đau đớn cho bệnh nhân khi trị bệnh, chúng ta cũng phải thực hiện những nhát cắt trên “cơ thể quốc dân” để có thể loại bỏ những khối u.
Theo Tiến sỹ Czech, vai trò cụ thể của bác sỹ Asperger trong chương trình trẻ tự kỷ của Đức Quốc xã là phát hiện những trẻ mà ông ta cho là “tàn tật” rồi gửi chúng đến phòng khám Am Spiegelgrund ở Vienna, nơi hàng trăm người được cho là đã bị cho uống thuốc hoặc hít khí độc đến chết trong khoảng thời gian từ năm 1940 đến 1945.
Việc phát hiện trẻ bị bệnh như vậy được Asperger thực hiện trong vai trò thành viên của một ủy ban đánh giá trẻ em tại bệnh viện tâm thần Gugging ở Vienna. Theo Tiến sỹ Czech, trong vòng 20 tháng kể từ khi Asperger được đưa vào ủy ban này vào năm 1942 đã có 41 trẻ em được đưa tới phòng khám Am Spiegelgrund do bị ông ta liệt vào danh sách “không thể giáo dục”.
Tất cả những trẻ này đều đã tử vong sau khi được đưa tới phòng khám. “Ở đây tôi thấy nổi lên hình ảnh một người đàn ông tìm cách thăng tiến trong sự nghiệp dưới chế độ Đức Quốc xã dù tư tưởng và quan điểm chính trị của ông ta không đồng nhất với Đức Quốc xã”, Tiến sỹ Czech nhận xét.
Vẫn theo Tiến sĩ Czech, sau chiến tranh, đáng lẽ tòa án phải khép Hans Asperger vào tội giết người, hay ít nhất là đồng lõa giết người. Tuy nhiên, ông ta vẫn ung dung sống, thậm chí còn trở thành một lãnh đạo tại Đại học Vienna rồi trở thành người đứng đứng đầu Làng Trẻ em SOS ở Áo chuyên cưu mang trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, nghèo khó do không có bằng chứng chứng minh vai trò của Asperger trong việc trẻ bị tự kỷ bị đưa tới bệnh viện rồi chết. Thêm vào đó, sau khi Đức quốc xã sụp đổ, cũng không ai đặt nghi vấn về sự dính líu của ông ta phòng khám kinh hoàng Spiegelgrund.
Ý kiến đòi đánh giá lại di sản của Asperger
Những kết luận của Tiến sĩ Czech cũng khá tương đồng với nội dung được đưa ra trong một cuốn sách cũng công bố năm 2018 của Giáo sư Edith Sheffer thuộc Đại học Standford ở Mỹ. Từ việc phân tích kỹ lưỡng các tài liệu lịch sử, Giáo sư Sheffer cho rằng, dưới thời Hitler, tâm thần học đã trở thành một phần trong các nỗ lực để phân loại dân số Đức, Áo và xa hơn là xác định những người có bộ gen “phù hợp hay không phù hợp” với xã hội.
Trong đó, trong khuôn khổ chương trình giết người tự kỷ, các bác sỹ tâm thần và các bác sỹ sẽ là những người quyết định ai sẽ được sống và ai sẽ bị sát hại. Chính trong bối cảnh này, chẩn đoán “bệnh tâm thần tự kỷ” đã được Asperger tạo ra.
Theo Giáo sư Sheffer, các hồ sơ y tế và thư giới thiệu đều cho thấy Asperger chính là kẻ đồng lõa trong bộ máy giết người của Đức Quốc xã. Ông ta bảo vệ những đứa trẻ có vẻ như thông minh nhưng đồng thời cũng chuyển một số trẻ tới phòng khám Am Spiegelgrund – trung tâm của chương trình trẻ tự kỷ.
Đây chính là nơi những đứa trẻ bị các bác sỹ của Đức Quốc xã liệt vào dạng “di truyền kém” bị sát hại vì chúng bị xem là không có khả năng thích nghi với xã hội hay có thể chất hoặc tinh thần “không ra gì”. Dựa trên các tài liệu thu được, bà Sheffer cho rằng, những đứa trẻ như vậy đã bị bỏ đói đến chết hoặc bị tiêm thuốc độc… Còn trong hồ sơ chính thức, nguyên nhân tử vong được ghi là do bị viêm phổi.
Ông Czech và bà Sheffer đã dẫn chứng trường hợp của 2 đứa trẻ là Herta Schreiber và Elisabeth Schreiber để chứng minh cho tuyên bố của mình. Cả 2 đứa trẻ đều được bác sỹ Asperger ký giấy gửi tới Am Spiegelgrund. Trong đó, Herta bị đưa tới phòng khám trên vì bị xem là “sẽ trở thành gánh nặng không thể chống đỡ của mẹ bé”, còn Elisabeth thì được ghi là sẽ trở thành gánh nặng khó xử lý đối với cả gia đình. Cả 2 đều đã chết, như gần 800 trẻ em đã chết ở Spiegelgrund khác trong giai đoạn từ năm 1940 đến 1945.
Tiến sỹ Czech cho rằng chỉ riêng những phát hiện nói trên đã đủ để thế giới phải đánh giá lại di sản của Asperger. Đặc biệt, theo vị tiến sỹ, khi bí mật về hành vi ác độc của bác sỹ này đã bị phơi bày, hội chứng Asperger có lẽ cần đổi tên.
Ý tưởng này cũng đã được nhiều người ủng hộ. “Cảm giác của tôi là vô cùng phẫn nộ. Trước đây, tôi vẫn nghĩ rằng bác sỹ Hans Asperger là người luôn tìm cách để bảo vệ và cứu những đứa trẻ không may mắc bệnh. Thế nhưng, sự thật là thay vì làm việc đó, ông ta lại là một phần của cỗ máy âm mưu giết hại chúng tôi”, một người sử dụng mạng xã hội Twitter ở Mỹ viết.
Ban biên tập tạp chí Molecular Autism cho hay họ tin vào những cáo buộc chống lại bác sỹ Asperger. “Chúng tôi biết rằng bài báo của Tiến sỹ Czech sẽ gây tranh cãi nhưng chúng tôi tin rằng bài báo cần phải được đăng tải để phô bày sự thật về cách thức một bác sỹ vốn nổi danh vì những đóng góp cho lĩnh vực nhi khoa và tâm thần trẻ em lại tích cực hỗ trợ các chính sách theo thuyết ưu sinh và loại bỏ người tự kỷ của Đức Quốc xã. Bằng chứng lịch sử này cần phải được công khai”, ông Simon Baron-Cohen, đồng chủ biên tờ tạp chí, cho hay.