Điều tra vụ 10 tàu hàng chìm khiến nhiều thuyền viên rơi xuống biển

(PLO) -Vụ chìm tàu hàng ở vùng biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có số người bị nạn lớn nhất do bão gây ra ở khu vực miền Trung từ trước đến nay. Sau khi tỉnh dậy, nhiều người được cứu vẫn không tin mình còn sống sót...
Lực lượng chức năng và người dân cứu hộ, cứu nạn tàu gặp nạn trên biển Quy Nhơn

Lời kể hãi hùng 

Ngày 5/11, đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, thời điểm xảy ra bão số 12, có 104 tàu hàng neo đậu ở các khu vực cảng Quy Nhơn và phao số 0. Tuy nhiên, bão đã làm 9 tàu hàng bị chìm, 1 tàu hàng mắc cạn, hư hỏng và 3 thuyền viên bị chết. Đến chiều cùng ngày, các lực lượng cứu hộ đã cứu được 72 người. 

Nằm điều trị tại bệnh viện, ông Nguyễn Văn Tài (45 tuổi, quê Thanh Hóa, thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26, trọng tải hơn 2.500 tấn) nhớ lại: “Tàu tôi có 11 thuyền viên đang trên đường chở hàng từ TP. Hải Phòng đến TP. Cần Thơ thì nhận được tin bão nên tàu vào trú bão ở vùng biển Quy Nhơn.

Sáng ngày 4/11, bão vào thì tàu gặp nạn khi đang neo đậu ở phao số 0. Tôi cho tàu nổ máy để chạy tránh bão nhưng máy chính bị sự cố không thể khắc phục. Lúc đó, gió trên biển giật rất mạnh cộng với sức đánh của sóng dữ dội, cảnh tượng rất kinh hoàng, tàu di chuyển được một lúc thì bị chìm”.

Theo ông Tài, trong lúc gặp nạn các thuyền viên trên tàu phát tín hiệu cứu hộ nhưng không nhận được sự hỗ trợ nên đã ném phao cứu sinh xuống biển để vào bờ. 

Trên địa bàn TP.Quy Nhơn đang có mưa rất to, sóng biển đánh lớn nên công tác cứu hộ đang gặp khó khăn

“Có cả chục năm đi biển nhưng tôi không thể hình dung bão lại khủng khiếp đến như vậy. Có 11 thuyền viên nhảy xuống lúc bão ập đến nhưng giờ chỉ có 6 người được cứu, còn 5 người không biết ở đâu”, vị thuyền trưởng thất thần nói.

Ông Bùi Quang Tú (thuyền viên trên tàu Nam Khánh 26) cho biết: “Bão tạo ra những con sóng cao 5 đến 7m. Mưa to tạt vào mặt như bị chọi đá vậy. Sóng ập đến liên hồi. Lúc tàu chìm tôi nhảy xuống và nghĩ mình khó sống sót được”.

Cũng theo ông Tú, thời điểm đó nhiều tàu bên cạnh cũng bị bão ập vào nhấn chìm xuống nước, rất nhiều thuyền viên bị rơi xuống biển. “Tôi cố bơi vào bờ. Càng bơi thì càng bị sóng cuốn ra xa. Vừa ngoi lên thở thì bị sóng ập tới nhấn chìm xuống nước. Cứ như vậy không biết bao nhiêu lần. Khi được lực lượng cứu hộ vớt đưa vào bờ, tôi mới tin rằng mình còn sống”, ông Tú nói.

Chỉ đạo công an vào cuộc điều tra

Hiện tại, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đang phối hợp với ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm các thuyền viên bị nạn. 

Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã huy động 90 chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia công tác cứu hộ. “Các thuyền viên còn lại có thể còn đu bám trên các tàu chìm, lực lượng cứu hộ vẫn đang rất nỗ lực tìm kiếm”, ông Châu hy vọng.

Các thuyền viên gặp nạn đang được điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung Ương Quy Hòa

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp triển khai công tác khắc phục mưa bão và bàn biện pháp ứng phó với lũ vào sáng ngày 5/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thắc mắc: Vì sao đã được thông báo bão nhưng các tàu hàng không vào khu vực cảng Quy Nhơn neo đậu để đảm bảo an toàn mà neo ở phao số 0, khiến thiệt hại nặng nề về người và tài sản như vậy? 

Qua đó, ông Dũng chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc trên. Đồng thời yêu cầu các ngành chức năng địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên bị mất tích; triển khai biện pháp xử lý sự cố tràn dầu; đảm bảo an ninh trật tự khu vực ven biển, không để xảy ra tình trạng người dân lợi dụng sự cố tàu mắc cạn để hôi của.

Ngày 5/11, Văn phòng Thường trực PCTT&TKCN tỉnh Bình Định cho biết, bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề tại địa phương này. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hơn 460 tỷ đồng (riêng thiệt hại các tàu hàng khoảng 400 tỷ đồng). 

Theo đó, toàn tỉnh có 3 người chết, 6 người mất tích; 81 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 446 ngôi nhà bị hư hỏng; 17 tàu cá bị chìm; 10 phường, xã của TP.Quy Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh bị ngập trong nước. Mưa lũ còn làm sạt lở 50km đường giao thông; 2 chiếc cầu bị xói lở; 516ha lúa mùa ngập; 18ha hoa màu, 500ha cây trồng hư hỏng và 27 lồng bè nuôi thủy sản cuốn trôi... 

Đọc thêm