Đỉnh dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ vào thời gian nào?

(PLVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xem xét có cần phải dừng mọi hoạt động lại để tránh lây nhiễm hay không, bởi hiện người dân Việt Nam vẫn còn chủ quan.
Thủ tướng lo lắng khi người dân Việt Nam vẫn còn chủ quan trước dịch Covid-19.

Sáng 13/3, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời khen ngợi tới Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phòng chống, chăm sóc, điều trị người bệnh, các nhà tài trợ.

Cần phải dừng mọi hoạt động lại để tránh lây nhiễm Covid-19?

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc họp sẽ bàn những vấn đề cụ thể như hạn chế cấp visa cho du khách quốc tế; cần phải hạn chế, kiểm soát mạnh mẽ quyết liệt hơn việc khai báo y tế, hồ sơ sức khỏe...

Hiện học sinh, sinh viên của Việt Nam đang học tập tại nước ngoài nếu trở về Việt Nam sẽ rất đông, đây là những người rất dễ dính virus, vì phải di chuyển qua các phương tiện chung chuyển, do vậy cũng cần đưa ra các khuyến cáo phù hợp.

Nhận định đỉnh điểm của dịch sẽ là tháng 4 và tháng 5, do vậy Thủ tướng đề nghị thảo luận kỹ, đưa ra giải pháp mạnh để tập trung nguồn lực chống lại virus. 

“Chúng ta phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết trong vấn đề này, phải ngăn chặn mạnh mẽ hơn, quyết liệt, kịp thời hơn nữa các nguồn lây nhiễm ra Việt Nam” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu thảo luận có cần phải dừng mọi hoạt động lại để tránh lây nhiễm hay không, bởi hiện người dân Việt Nam vẫn còn chủ quan; những nơi công cộng, người dân cần phải đeo khẩu trang.

Kiến nghị thành lập Quỹ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 6/3/-12/3/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 28 trường hợp mắc mới (17 trường hợp người Việt Nam và 11 trường hợp người nước ngoài), nâng tổng số mắc lên 44 người. 

Về kinh phí điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, đối với người Việt Nam, Bộ Y tế đã kiến nghị Thủ tướng. Theo đó, người có bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả; người không có bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước chi trả.

Đối với người nước ngoài, kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện thu phí. Cụ thể, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam sau 7 ngày (kể từ ngày Thủ tướng đồng ý với kiến nghị), nếu mắc bệnh Covid-19 sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị, trừ chi phí xét nghiệm ban đầu và cách ly tập trung.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 28.979 người, trong đó có 440 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.557 người cách ly tập trung tại cơ sở tập trung và 16.982 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ban Chỉ đạo quốc gia cũng cho biết, tình hình dịch trên thế giới rất phức tạp. Trong những ngày tới và những tuần tới, dự đoán số ca mắc mới, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa.

Theo ước tính của Bộ Giao thông vận tải, dự kiến mỗi ngày có khoảng 2.000 - 3.000 người Việt Nam từ châu Âu về nước qua đường hàng không. Các Bộ: Ngoại giao, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo thông báo cho những người Việt Nam dự định về nước về việc phải khai báo y tế điện tử bắt buộc trước 36 giờ để tổ chức phân loại và cách ly tập trung sau khi nhập cảnh.

Có khoảng trên 52.000 người nhập cảnh và chưa xuất cảnh khỏi Việt Nam thuộc 10 nước đã tạm dừng miễn thị thực đơn phương.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát những nơi đăng ký tạm trú, lưu trú để thực hiện khai báo y tế bắt buộc như khi nhập cảnh để thực hiện giám sát y tế và kịp thời cách ly khi có biểu hiện bệnh.

Về việc lập quỹ phòng chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phòng chống dịch.

Hiện nay, đã có Hàn Quốc đã ủng hộ 500.000 USD; Hội Doanh nhân trẻ ủng hộ 10 tỷ đồng; các tập đoàn lớn ủng hộ cho các cơ sở nghiên cứu và điều trị. Quỹ này sẽ chỉ tiếp nhận kinh phí, trang thiết bị, thuốc men; đối với các nhu yếu phẩm đề nghị hỗ trợ trực tiếp cho địa phương và đơn vị.

Đọc thêm