Dinh thự người uy quyền khét tiếng Đồng Văn

(PLO) - Khu dinh thự vua Mèo nằm trọn trong một thung lũng thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Xưa kia vua Mèo tức Vương Chính Đức là một người có uy quyền, khét tiếng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Ông đã để lại cho vùng đất này một di sản, đó là khu dinh thự có lối kiến trúc cổ, tựa như một pháo đài kiên cố, vững chãi. 
Khu nhà Vương nằm trọn trong thung lũng Sà Phìn
Khu nhà Vương nằm trọn trong thung lũng Sà Phìn

Để khám phá khu dinh thự đặc biệt này chúng tôi đã có cuộc hành trình tìm về vùng cao nguyên đá Đồng Văn để tìm hiểu. 

Khu nhà Vương một pháo đài kiên cố

Từ thành phố Hà Giang, vượt hơn 130km trên những con đường ngoằn ngoèo, cuối cùng chúng tôi cũng đến xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Trên những cung đường đèo, chúng tôi được hòa mình cùng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Nói đến Hà Giang, có lẽ nhiều người đã biết đến bởi cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là cao nguyên địa chất toàn cầu. Hà Giang không chỉ đẹp bởi cảnh quan thiên nhiên, ở đó còn có rất nhiều các địa danh như: cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, phố cổ Đồng Văn, thung lũng Sủng Là, làng dệt thổ cẩm Lũng Tám…

Điểm văn hóa khu di tích nhà Vương là một trong những kiến trúc lịch sử, độc đáo nhất Việt Nam, nằm ở cao nguyên đá. Từ quốc lộ 4C, nhìn về thung lũng Sà Phìn, khu nhà Vương nằm yên ắng, lọt thỏm giữa núi non trùng điệp. Khu dinh thự ấy vừa nên thơ vừa gợi mở cho du khách bao điều kỳ bí. Tới thăm khu dinh thự này, du khách sẽ liên tưởng về một ông vua uy quyền, khét tiếng, thống lĩnh trọn vẹn vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Xưa kia chỉ cần nghe đến cái tên, Vương Chính Đức, Vương Chính Sình là cả vùng cao nguyên đá Đồng Văn này, hầu ai cũng phải khiếp vía. 

Theo như chúng tôi tìm hiểu, hiện trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, đa phần vẫn là người dân tộc H’Mông sinh sống. Hơn một thế kỷ trước, đồng bào nơi đây phải chịu sự quản lý, dưới bộ máy uy quyền của dòng họ Vương. Cũng từ đó, dòng họ Vương mới có danh tiếng, Vương Chính Đức đã thiết lập một hệ thống phòng thủ, một pháo đài uy nghi giữa núi non trùng điệp. Xuôi theo quốc lộ, chúng tôi được tiếp cận với khu dinh thự nhà họ Vương. Ngay gần khu dinh thự là chợ Sà Phìn, nơi đây chính là nơi gặp gỡ giao lưu, buôn bán giữa các đồng bào dân tộc. 

Cổng vào khu nhà Vương là những cây sa mộc nghìn năm tuổi, thẳng tắp. Đi giữa những bóng mát, chúng tôi được cảm nhận về một vùng đất nghèo khó nhưng uy quyền. Và chính vùng đất này đã xuất hiện những con người, tạo nên dấu ấn lịch sử. Khu nhà Vương không chỉ là tài sản riêng cho một dòng họ, mà ngày nay nó đã trở thành tài sản chung cho nhân loại.

Chúng tôi đến đây là đã trở về với cỗ máy thời gian của những thế kỷ trước. Khu dinh thự nhà họ Vương vẫn còn giữ nguyên lối kiến trúc cổ xưa, kết hợp hài hòa giữa yếu tố của người H’Mông, người Trung Quốc và kiến trúc của người Pháp. Dưới mái nhà được coi là dinh thự này, Vương Chính Đức (hay con gọi là vua Mèo) đã thống lĩnh cả một vùng đất rộng lớn.

Ngày nay, người ta đến với cao nguyên đá Đồng Văn là họ muốn trở về với đồng bào, với lối kiến trúc nguyên sơ, cổ kính của dinh thự nhà họ Vương. Sự kỳ bí của khu dinh thự, không chỉ hứa hẹn cho du khách trong nước mà cả du khách quốc tế họ cũng tìm về. Hàng năm, số lượng các đoàn khách trong nước và quốc tế tìm đến khu dinh thự nhà họ Vương ngày càng trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Du khách tìm về đây bởi Đồng Văn là địa đầu của Tổ quốc, gắn liên với những nét văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc anh em cùng chung sống như H’Mông, Lô Lô, Dao…

Hàng năm, có rất nhiều các đoàn khách du lịch tìm đến khu nhà Vương để thăm quan
Hàng năm, có rất nhiều các đoàn khách du lịch tìm đến khu nhà Vương để thăm quan

Độc đáo kiến trúc dinh thự nhà họ Vương

Để tìm hiểu, khám phá kiến trúc độc đáo của khu dinh thự, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Vương Thị Chở, là con cháu đời thứ tư của nhà họ Vương. Hiện chị Chở là một trong những hướng dẫn viên dày dặn kinh nghiệm, bởi chị vừa là người H’Mông, vừa là con cháu ở trong nhà. Khi hỏi chuyện, chị Chở tâm sự: “Nguồn gốc của nhà họ Vương bắt nguồn từ Trung Quốc. Xưa kia đồng bào các dân tộc ở trên này họ suy tôn ông Vương Chính Đức nên mới gọi là vua Mèo. Ông Đức quản lý vùng đất rộng lớn, từ khu Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Ngày xưa bốn huyện này là do ông Đức đứng đầu và là thủ lĩnh vùng đất”.  

Theo chị Chở, trước khi xây dựng dinh thự, ông Đức đã mời thầy phong thủy Trung Quốc về để xem hướng nhà. Ông thầy phong thủy đi rất nhiều nơi của Đồng Văn, và đã chọn vùng đất Sà Phìn là nơi để xây dựng dinh thự. Ông thầy phong thủy cho rằng, ở thung lũng Sà Phìn có gò đất nổi cao giống như mai của con rùa. Nếu xây dựng pháo đài ở chỗ này, có thể tấng công kẻ địch ở bất cứ địa điểm nào. Và nếu xây dựng dinh thự thì sự nghiệp của Vương Chính Đức sẽ thành công về sau.

Chị Chở bảo: “Khu dinh thự này được kết hợp theo lối kiến trúc của người H’Mông, Pháp và Trung Quốc. Ngôi nhà này được chia theo khu tiền đình, trung đình và hậu đình. Nhà có 64 buồng được dựng hai tầng, mái vách bằng gỗ thông, ngói làm từ đất nung. Lối dẫn vào được làm bằng các viên đá hoa cương, mái nhà cong uốn lượn, lợp ngói âm dương. Đặc biệt là hoa văn ở trong nhà được chạm khắc tinh xảo”.

Cũng theo chị Chở, toàn bộ khu nhà Vương có diện tích hơn ba nghìn mét vuông, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm sau đó. Quá trình xây dựng dinh thự tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay. Dinh thự có chỗ cho sinh hoạt chính sự, sinh hoạt gia đình, nghỉ ngơi canh gác. Trong đó có kho chứa lương thực, vũ khí, buồng nghỉ cho các bà vợ của vua. 

Theo lời chị Chở, khu Tiền dinh là nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và nô tì. Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương. Và đây cũng là nơi xét xử những người có tội. Xưa kia Vương Chính Đức là người khét tiếng và có uy quyền, chỉ cần bắt gặp nô tì hoặc quân hầu nhìn lén vào các buồn ngủ của các bà vợ, lập tức ông chém ngay. Ở gian ngoài còn có một bức hoành phi được viết bằng chữ Hán “Biên chinh khả Phong”, do vua Nguyễn phong tặng vua Mèo.   

Khu dinh thự được bao bọc bởi một bức tường kiên cố, cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh. Phía sau dinh thự có một bể chứa nước rất lớn có thể tích 300m3 được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế để hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Do nằm trong vùng thường xuyên khô hạn nên ngày nay chiếc bể nước này là nguồn cung cấp nước chính cho nhân dân ở xã Sà Phìn. 

Cũng theo chị Chở, lúc bấy giờ, Vương Chính Đức thao túng 7 vạn dân, chủ yếu làm nghề trồng cây anh túc. Khu vực của vua Mèo cai quản là toàn bộ vùng Đông Bắc và Tây Bắc của khu vực cực Bắc của huyện Đồng Văn. Con trai Vương Chính Đức là Vương Chí Sinh, cũng đã trở thành một huyền thoại của vùng đất này. Sau này Vương Chí Sình kế nghiệp cha, có sức mạnh quy phục các cư dân ở trong vùng. Mục đích của người con này là muốn xây dựng Đồng Văn thành một vương quốc tự trị của người Mông. Vương Chí Sình không theo Pháp và cũng không theo Tưởng Giới Thạch, nên các phe đối cũng không giám lật đổ vương quốc của vua Mèo.  

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Vương Chính Đức lên Hà Nội, tuy nhiên do tuổi cao sức yếu nên người con kế nghiệp là Vương Chí Sình đã đi thay. Sau đó Vương Chí Sình được làm việc cho Chính phủ, trở thành đại biểu Quốc hội khóa I và khóa II. Trước khi về hưu, Vương Chí Sình còn giữ chức Chủ tịch huyện Đồng Văn. Năm 1962 Vương Chí Sình mất ở Hà Nội, linh cữu được đưa về Hà Giang, an táng tại Phó Bảng sau đó được cải táng về khu di tích nhà Vương như hiện nay.

Chính vì khu dinh thự có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân các đồng bào dân tộc ở cao nguyên đá Đồng Văn nên vào ngày 23 tháng 7 năm 1993, Khu dinh thự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng Di tích quốc gia. Ngày nay, khu dinh thực là một địa điểm du lịch lý tưởng, bởi nó có giá trị lịch sử muôn đời. Khu nhà Vương gợi nhớ lại một thời kỳ hưng thịch, bởi gần một thế kỷ, dòng họ Vương đã thống lĩnh cả vùng cao nguyên rộng lớn này.