Định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới cần đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, tiếp tục phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Phát triển công nghiệp văn hóa là chủ trương xuyên suốt của Đảng trong các kỳ Đại hội. Để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg). Đây là chiến lược đầu tiên về công nghiệp văn hóa quốc gia của Việt Nam.

Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư để phát triển thành ngành kinh tế quan trọng. (Nguồn: VGP)

Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư để phát triển thành ngành kinh tế quan trọng. (Nguồn: VGP)

Sau gần 10 năm thực hiện, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 “bước đầu đã đạt được một số thành tựu nhất định về việc nâng cao nhận thức và khẳng định tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong sự phát triển chung của đất nước”, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) cho biết tại cuộc họp xây dựng Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tháng 10/2024).

Để chuẩn bị cho Chiến lược này ra đời, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam (VICAS) (nay là Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong 2 năm đã biên soạn Chiến lược Công nghiệp Văn hóa Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với sự hỗ trợ của Bộ VH,TT&DL, UNESCO và Hội đồng Anh, Tiến sĩ Tom Fleming, chuyên gia quốc tế hàng đầu về nền kinh tế sáng tạo (www.tfconsultancy.co.uk), nhiều tổ chức đối tác và doanh nghiệp trên khắp lĩnh vực văn hóa và sáng tạo của Việt Nam, hướng đến mục tiêu “nâng cao hiệu suất và giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lên một trong những ngành công nghiệp dẫn đầu thị trường Đông Nam Á”.

Chiến lược Công nghiệp Văn hóa Quốc gia ra đời vào thời điểm quan trọng đối với Việt Nam, khi sẵn sàng tận dụng tối đa các tài sản văn hóa phong phú và đa dạng của mình, với tài sản lớn nhất là nguồn nhân lực dồi dào. Theo GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng VICAS, thực hiện Chiến lược sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế sáng tạo được công nhận trên toàn cầu vào năm 2030. Có một nền kinh tế năng suất và cạnh tranh sẽ là một ngành công nghiệp văn hóa tự tin, đa dạng và có tinh thần kinh doanh. Điều này sẽ giúp mang lại giá trị trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế - mở ra những cơ hội mới để tạo việc làm và đẩy nhanh quá trình đổi mới; đồng thời mở ra những thị trường mới cho nội dung và dịch vụ sáng tạo, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Nhưng quan trọng nhất, nó sẽ bảo đảm chúng ta tận dụng tối đa nguồn lực quan trọng nhất của mình: tài năng của một dân số ngày càng trẻ, sáng tạo và kết nối toàn cầu.

Trong Chiến lược khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ liên tục nâng cao tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển của đất nước và có một chương trình nghị sự rõ ràng để định vị văn hóa như một công cụ phát triển kinh tế. Với mục tiêu chính là đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa, các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng vai trò xúc tác khi cho phép các tổ chức văn hóa và doanh nghiệp tạo ra những công việc bền vững và có giá trị cao hơn; Hỗ trợ những người tài năng thể hiện bản thân, thể hiện sự sáng tạo của họ và hợp tác để thể hiện những khía cạnh đặc biệt của bản sắc Việt Nam truyền thống và đương đại; Hiện đại hóa các thể chế văn hóa để chúng phù hợp hơn với nhu cầu và nguyện vọng của một bộ phận dân số trẻ và kết nối toàn cầu; cải thiện khả năng đổi mới và sức cạnh tranh của các ngành chính như du lịch và sản xuất. Định vị lại Việt Nam như một quốc gia hiện đại, tiến bộ và sáng tạo.

Đưa công nghiệp văn hóa Việt Nam vào top dẫn đầu ở ASEAN

Theo ông Trần Hoàng, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa trên phạm vi toàn cầu đã và đang là lĩnh vực tạo nên khả năng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cần xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới, đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng đồng bộ và hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, tiếp tục phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau 5 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đạt doanh thu bằng 3,61% GDP.. (Nguồn: Internet)

Sau 5 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đạt doanh thu bằng 3,61% GDP.. (Nguồn: Internet)

Về mục tiêu, Công nghiệp văn hóa là ngành kết hợp sự sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, sử dụng các giá trị văn hóa và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Mục tiêu là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần quảng bá văn hóa và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa, đột phá phát triển để các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng nhằm quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Đến năm 2045, định vị công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp chủ chốt, phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP, thu hút 6 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 9% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.

Mục tiêu tiếp theo là Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu về phát triển công nghiệp văn hóa trong khu vực Đông Nam Á và là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển trong khu vực châu Á. Các ngành công nghiệp văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo của quốc gia và định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới trong kỷ nguyên thông minh.

Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 ngành: (1) điện ảnh; (2) du lịch văn hóa; (3) nghệ thuật biểu diễn; (4) mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; (5) quảng cáo; (6) kiến trúc; (7) thiết kế; (8) thời trang; (9) thủ công mỹ nghệ; (10) xuất bản; (11) truyền hình và phát thanh; (12) phần mềm và các trò chơi giải trí.