“Sức mạnh mềm” văn hóa
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt; tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; Tổng lượng khách du lịch nội địa năm 2024 ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023; Tổng thu từ khách du lịch năm 2024 ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng; tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Phấn đấu năm 2025, du lịch đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP. Theo Quy hoạch, đến năm 2025, du lịch tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.
Công nghiệp văn hóa đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn. 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, chương trình Jazz quốc tế 2024... đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 cũng tạo dấu ấn kỷ lục với hơn 110 hoạt động, hiện thực hóa sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Khoảng 1.000 nhà sáng tạo, bao gồm nghệ sĩ, kiến trúc sư, giám tuyển cùng chung tay để tạo nên một “Giao lộ sáng tạo hoành tráng”. Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Lễ hội thu hút gần 30 vạn du khách, lan tỏa tinh thần sáng tạo không giới hạn. Sự kiện đã nhận được sự đánh giá cao từ đông đảo người dân, cộng đồng sáng tạo, khách tham quan trong và ngoài nước. Đây là kỳ lễ hội thành công nhất từ trước đến nay, với lượng công chúng tham gia vượt ngoài mong đợi.
Cùng với đó, công nghiệp điện ảnh ghi những dấu ấn mới với những đạo diễn “nghìn tỷ” như Trấn Thành, Lý Hải với các bộ phim có tổng doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Với cú xô đổ kỷ lục của “Mai”, Trấn Thành trở thành đạo diễn “nghìn tỷ” đầu tiên của Việt Nam. Tiếp đó, sau 7 phần, tổng doanh thu của thương hiệu “Lật mặt” đã đưa Lý Hải chính thức trở thành đạo diễn “nghìn tỷ” tiếp theo của điện ảnh Việt. Không rầm rộ nhưng những doanh thu bất ngờ trong năm 2024 từ bộ phim được thực hiện từ ngân sách nhà nước “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, với con số gần 21 tỷ đồng đã gợi mở cho điện ảnh Việt Nam nhiều hướng phát triển trong thời gian tới.
Phim “Đào, phở và piano” thu hút khán giả đã gợi mở cho điện ảnh Việt Nam nhiều hướng phát triển. (Ảnh trong phim) |
Công nghiệp văn hóa cũng góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam. Việt Nam có 3 thành phố Hà Nội, Đà Lạt, Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, là sở cứ vững vàng để xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam cũng đã 4 lần được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”. Năm 2023, Việt Nam được tín nhiệm và trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu rất cao.
Những kết quả trên cho thấy sự phát triển tích cực của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và quảng bá văn hóa dân tộc trên trường quốc tế. Việt Nam giàu bản sắc văn hóa dân tộc và 198 không gian sáng tạo phân bổ trên toàn quốc là một lợi thế để Việt Nam khai thác chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa.
Cần đột phá hơn về thể chế
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Ngày 08/9/2016, Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực như: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Du lịch văn hóa. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đảng và Nhà nước đã và đang xây dựng chính sách và quy định hỗ trợ khung pháp lý thuận lợi. Ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính và bảo hộ sở hữu trí tuệ để khuyến khích sáng tạo và đổi mới.
Chiến lược quốc gia đặt ra mục tiêu cụ thể về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như thiết kế, thời trang, nghệ thuật kỹ thuật số, trò chơi điện tử...; Đầu tư vào giáo dục và đào tạo gồm giáo dục sáng tạo, tích hợp các môn học liên quan đến văn hóa công nghiệp như thiết kế, mỹ thuật, công nghệ sáng tạo vào chương trình học từ cấp tiểu học đến đại học; Hợp tác với doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập, đào tạo nghề và kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.
Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa bằng cách cung cấp không gian làm việc, kết nối vốn đầu tư và tư vấn chuyên môn; Kết nối các nghệ sĩ, nhà thiết kế, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu để thúc đẩy sự hợp tác; Ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa công nghiệp, như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR); Xây dựng các nền tảng trực tuyến để quảng bá và bán sản phẩm văn hóa công nghiệp; Phát triển thương hiệu quốc gia, quảng bá quốc tế; Đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị để giới thiệu các sản phẩm văn hóa công nghiệp ra thị trường toàn cầu; Tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa và tích hợp chúng vào sản phẩm công nghiệp.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 thu hút gần 30 vạn du khách. (Ảnh: BTC) |
Tạo động lực cộng đồng khi tổ chức các sự kiện, hội chợ và triển lãm để thúc đẩy giao lưu văn hóa và kết nối doanh nghiệp. Xây dựng các quỹ hỗ trợ để khuyến khích cá nhân và nhóm sáng tạo tham gia vào ngành công nghiệp văn hóa; Định kỳ đánh giá hiệu quả của các chính sách và điều chỉnh để phù hợp với thực tế; Tiến hành nghiên cứu để hiểu rõ xu hướng và nhu cầu trong ngành công nghiệp văn hóa. Việc xây dựng cơ chế phát triển văn hóa công nghiệp cần sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức quốc tế để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2023, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhận định, “nút thắt” chúng ta phải mở là xây dựng một chiến lược bài bản: “Khi chúng ta đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề. Phát triển công nghiệp văn hóa nó sẽ có chủ thể, ví dụ như nhà nước có khung chính sách luật pháp, khung thể chế, cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải hình thành mô hình 3 nhà: nhà đầu tư, Nhà nước và nhà sáng tạo thì mới tạo ra được sự chuyển động”. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, sự đầu tư và hỗ trợ từ phía Nhà nước không chỉ về nguồn lực tài chính mà còn là những biện pháp khuyến khích tinh thần sáng tạo, bảo trợ nghệ sĩ và tạo điều kiện để những tài năng văn hóa, nghệ thuật phát huy tối đa khả năng của mình. Chính sách khuyến khích như giảm thuế cho các tổ chức nghệ thuật, tạo lập quỹ hỗ trợ sáng tạo, đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, trung tâm nghệ thuật công cộng... là những biện pháp quan trọng giúp nâng cao đời sống văn hóa của xã hội, đồng thời tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật thăng hoa.
Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tập trung triển khai những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.