Độ ẩm đất gần bão hòa, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất tại địa bàn miền núi Quảng Nam

(PLVN) - Mưa lớn liên tiếp những ngày qua khiến độ ẩm đất tại nhiều địa phương ở Quảng Nam đạt trạng thái gần bão hòa và bão hòa. Địa phương này phát đi cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sườn dốc vùng núi.
Độ ẩm đất đạt trạng thái gần bão hòa (trên 90%) và bão hòa, Quảng Nam cảnh báo nguy cơ sạt lở.

Ngày 15/10, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam phát đi thông báo cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cao nhất tại xã Đại Hiệp và thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) lượng mưa đo được lần lượt là 487mm và 372mm. Tại huyện Quế Sơn, cầu Hương An 336mm, hồ Cây Thông 315mm. Huyện Duy Xuyên có hồ Phú Lộc 423mm, xã Duy Trung 408mm.

Tỉnh lộ 611 qua đèo Le bị sạt lở tối 13/10 và mới được thông xe bước 1 sáng 14/10.

Đáng chú ý, mô hình độ ẩm đất cho thấy các địa phương trong tỉnh đã đạt trạng thái gần bão hòa (trên 90%) và bão hòa.

Trong 6 giờ tới, các địa phương tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 20 - 40mm có nơi hơn 60mm.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam nhận định, trong 6 giờ tới nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Bắc Trà My, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Tiên Phước... Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai được nâng lên cấp 2.

Các xã được cảnh báo nguy cơ cao bao gồm: A Nông, A Tiêng, A Vương, Bha Lêê, Ch'Ơm, Dang, Ga Ry, Lăng (Tây Giang); A Rooi, A Ting, Ba, Jơ Ngây, Kà Dăng, Mà Cooih, Sông Kôn, Tà Lu, thị trấn P'rao, Tư, Za Hung (Đông Giang); Cà Dy, Chà Vàl, Chơ Chun, Đắc Pre, La Êê, Tà Bhing, Tà Pơơ, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang).

Tuyến đường huyết mạch lên trung tâm xã Kà Dăng (Tây Giang) bị sạt lở nghiêm trọng

Tại Hiệp Đức bao gồm các xã Bình Lâm, Bình Sơn, Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Phước Gia, Phước Trà, Quế Bình, Quế Lưu, Quế Thọ, Sông Trà, Thăng Phước, thị trấn Tân An. Tại Duy Xuyên, nguy cơ cao sạt lở, lũ quét tại các xã Duy Hòa, Duy Phú, Duy Phước, Duy Sơn, Duy Tân, Duy Thu, Duy Trinh, Duy Trung. Tại huyện Quế Sơn có các xã Phú Thọ, Quế An, Quế Châu, Quế Cường, Quế Hiệp, Quế Long, Quế Minh, Quế Phong, Quế Phú, Quế Thuận.

Tương tự tại Phước Sơn là các xã Phước Chánh, Phước Đức, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Kim, Phước Lộc, Phước Năng, Phước Thành, Phước Xuân, thị trấn Khâm Đức. Tại Nông Sơn gồm các xã Phước Ninh, Quế Lâm, Quế Lộc, Ninh Phước, Sơn Viên và thị trấn Trung Phước. Huyện Tiên Phước bao gồm thị trấn Tiên Kỳ và các xã Tiên An, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc, Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Thọ.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại 11 huyện của Quảng Nam

Đối với Bắc Trà My, các địa phương có nguy cơ cao phủ rộng bao gồm thị trấn Trà My và các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Đông, Trà Dương, Trà Giác, Trà Giang, Trà Giáp, Trà Ka, Trà Kót, Trà Nú, Trà Sơn, Trà Tân. Còn huyện Nam Trà My có 2 xã được đưa vào diện cảnh báo gồm Trà Dơn và Trà Vân.

Đặc biệt, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lượng mưa tích lũy 2 ngày qua đã rất lớn, theo dự báo thì những ngày tiếp theo, trên địa bàn tiếp tục đón nhận lượng mưa rất to. Vì vậy, nguy cơ rất cao nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra ngập lụt, đặc biệt là lũ quét, sạt lở ở các địa phương miền núi trong 6 giờ tới.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh, trước đó, UBND tỉnh cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, sở, ngành tiếp tục tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.