'Dở khóc dở cười' trước vật cản lính cứu hỏa trên đường làng

(PLVN) - Gấp rút vượt hàng chục km nhưng cuối cùng, phương tiện chuyên dụng bị chướng ngại vật kiên cố đầu làng cản lại, các chiến sĩ chữa cháy cùng lực lượng tại chỗ đành dùng xô, chậu... té nước dập hỏa hoạn.

Chiến sỹ phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Điện Biên kể, khi nhận tin báo về đám cháy xảy ra tại Đội 3, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh Điện Biên đã huy động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện chuyên dụng vượt hàng chục km tới hiện trường. Tuy nhiên, gần đến địa điểm xảy ra đám cháy, các phương tiện phải dừng lại do đường vào vướng các cọc bê tông. Lực lượng chữa cháy phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để phá những chiếc cọc bê tông.

Cũng tại huyện Điện Biên trước đó xảy ra tình huống tương tự. Nhà anh N.V.T, tại Đội 8, xã Thanh An, bùng cháy dữ dội trong đêm, nguy cơ lan rộng sang các nhà dân xung quanh. Ít phút sau, lực lượng cảnh sát PCCC đã triển khai đến chữa cháy, nhưng các phương tiện hiện đại đành phải dừng tại đầu thôn do cọc bê tông cản đường. Trong khi chờ xe chữa cháy đi đường vòng rất xa đến, lực lượng PCCC chuyên nghiệp cùng với lực lượng tại chỗ phải sử dụng xô, chậu…để dập đám cháy.

"Thực tế cho thấy, để phá các vật cản cho xe qua sẽ mất rất nhiều thời gian, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phải huy động tất cả bình chữa cháy mang theo cùng lực lượng chữa cháy tại chỗ sử dụng xô, chậu… múc nước chữa cháy, trong khi không gần nguồn nước và lượng nước tại chỗ cũng không có sẵn nhiều", Công an tỉnh Điện Biên phản ánh.

Xây cọc bê tông, barie kiên cố… là cách để người dân ngăn các xe tải trọng lớn, bảo vệ đường liên thôn, diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, những cọc và barie này vô tình trở thành rào cản, gây những tình huống “dở khóc, dở cười” cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khi có sự cố cháy nổ như trên.

Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Điện Biên đã có trên 100 đường, ngõ vào các khu dân cư nhưng xe chữa cháy không thể vào được do bị cản trở bởi cọc bê tông.

Một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo công tác chữa cháy hiệu quả là thời gian xe tiếp cận hiện trường. Cảnh sát PCCC và CNCH mong muốn các cơ quan chức năng địa phương và người dân chung tay tìm giải pháp hợp lý hơn để vừa bảo vệ đường, vừa tạo điều kiện cho các xe làm nhiệm vụ khẩn cấp như cứu thương, phòng cháy, chữa cháy… lưu thông thuận lợi.

Đọc thêm