Với vai trò là một Tập đoàn viễn thông – công nghệ thông tin (VT-CNTT) hàng đầu Việt Nam, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, ngay từ đầu năm 2017, VNPT đã sớm xây dựng chiến lược VNPT4.0, trong đó định vị VNPT phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ Số (Digital Hub) của Châu Á vào năm 2030, đồng thời xác định phải giữ vai trò chủ đạo trong cách mạng số tại Việt Nam.
Cho tới thời điểm này, trong lĩnh vực công, VNPT đã triển khai nhiều dịch vụ công, như Trục liên thông văn bản quốc gia. Chính phủ cũng giao VNPT xây dựng cổng dịch vụ công và hệ thống xác thực định danh. Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai sâu rộng tới 61/63 tỉnh thành trên cả nước. Hệ sinh thái CNTT chuyên ngành Y tế VNPT-HIS của VNPT đã được triển khai tới 7.278 cơ sở y tế các tuyến, tại 60/63 tỉnh, thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, mạng giáo dục vnEdu của VNPT cũng đã được triển khai tới hơn 12.000 trường với gần 4 triệu học sinh, tại 63/63 tỉnh, thành phố.
Trong triển khai thành phố thông minh, VNPT cũng đã tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh (Smart City) tại 28 tỉnh/thành phố. Hệ thống văn bản điện tử đã được VNPT triển khai cho hơn 43 tỉnh/thành phố với hơn 3.052 cơ sở triển khai (sở/quận/huyện/xã), trong đó 20 đơn vị đã triển khai trên quy mô toàn đơn vị (Bộ Bưu chính Viễn thông Lào, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Nghệ An, Cao Bằng, Tiền Giang, Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Kon Tum…).
Trong lĩnh vực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, có 3 thứ mà một doanh nghiệp chuyển đổi số cần đó là: hạ tầng số; số hoá hệ thống quản lý quản trị (phần mềm quản lý nhân lực, kế toán...); số hoá tư liệu sản xuất (áp dụng công nghệ vào sản xuất). VNPT song hành với từng doanh nghiệp trong suốt quá trình chuyển đổi để đưa ra giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp.
Đến nay, VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một doanh nghiệp. Đó là: Hệ thống xác thực và định danh điện tử eKYC; Hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory); Hệ thống kế toán doanh nghiệp (VNPT FMS); Hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM); Hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS); Chữ ký số, Hóa đơn điện tử… Các hệ thống này có thể triển khai cho các doanh nghiệp SME và cả các Tập đoàn, TCT lớn. Nhiều Tập đoàn, TCT đã ký hợp tác với VNPT trong lĩnh vực này như Tập đoàn Than và Khoáng sản, Tập đoàn Cao su Việt Nam...
Bên cạnh đó, để có thể triển khai những công nghệ mới nhất thế giới tại Việt Nam, VNPT đã tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Tập đoàn Sumitomo, Nissho Electronics (Nhật Bản), Siemens (Đức) hay Ericsson (Thụy Điển)… để cùng nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các ứng dụng công nghệ 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, thực tại tăng cường, Blockchain, Fintech... Việc tăng cường hàm lượng công nghệ mới trong dịch vụ số mà VNPT cung cấp ra thị trường cũng sẽ tạo ra khác biệt về dịch vụ số của VNPT.
Hiểu rõ vai trò của mình trong vận hội chung của đất nước trước làn sóng công nghệ 4.0, Tập đoàn VNPT quyết tâm thực hiện sứ mệnh mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định khi thăm và làm việc với Tập đoàn VNPT đầu năm 2019, đó là: “VNPT phải giữ vai trò và vị trí dẫn dắt trong lĩnh vực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Việt Nam”.
Top 2 giá trị thương hiệu khẳng định nỗ lực chuyển đổi số của VNPT
Theo danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2019 mà Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance công bố, VNPT đã vươn lên xếp vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, với giá trị thương hiệu được định giá là 1.683 triệu USD, tăng 14% so với năm 2018. Cùng với thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone thuộc Tập đoàn VNPT cũng đứng thứ 8 trong Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2019. Như vậy, VNPT là doanh nghiệp duy nhất có 2 thương hiệu nằm Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2019.