Đô thị xuống cấp, mưa là ngập, lỗi tại ai?

(PLVN) - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đại biểu Quốc hội phản ánh những bức xúc của cử tri về tình trạng đô thị xuống cấp mất mỹ quan đô thị, tinh trạng ngập úng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân . Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng về trách nhiệm của cơ quan quản lý.
 Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang - trong phiên chất vấn
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang - trong phiên chất vấn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị trong phiên chất vấn chiều 3/11, Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH Thái Bình - đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm, giải pháp đối với tình trạng nhiều dự án nhà ở, khu đô thị tại Hà Nội xuống cấp.

Đại biểu Phan đức Hiếu cho biết, hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều dự án nhà ở, dự án khu đô thị sau một thời gian sử dụng thì hạ tầng xuống cấp nhưng không thể nâng cấp. Cử tri cho rằng điều này làm mất cảnh quan đô thị và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ vấn đề này có thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng không và nếu có đề nghị Bộ trưởng làm rõ sẽ giải quyết như thế nào trong thời gian sắp tới.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang - nhận định việc phát triển đô thị là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo ông hiện thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi tương đối cao như Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở Hà Nội mưa là lụt và ngập. Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỷ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư.

Đại biểu cho rằng những vấn đề trên đã xuất hiện từ lâu nhưng việc giải quyết ngày càng chậm, chưa thấy hướng ra.

"Vậy, với trách nhiệm quản lý của ngành trong cái vấn đề quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên để phục vụ cho việc xây dựng phát triển đô thị đạt được những cái kết quả tốt hơn trong thời gian tới?" Đại biểu Trần Văn Lâm đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tình trạng ngập úng đô thị tại các thành phố lớn hiện nay xảy ra là do đâu, trách nhiệm của Bộ trưởng, giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của các Đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận dù được các địa phương quan tâm nhưng vấn đề ngập úng vẫn chưa được giải quyết cơ bản, còn bất cập làm ảnh hưởng đời sống người dân.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết là do điều kiện tự nhiên môi trường, do quy hoạch, do quá trình bê tông hóa, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dân; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...

Liên quan đến vấn đề xuống cấp của hạ tầng công trình đô thị, Bộ trưởng cho biết, đúng như ý kiến đại biểu, nhiều địa phương trong cả nước đã phát triển các dự án nhà ở, dự án đô thị khác nhau về cả quy mô và chất lượng hạ tầng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nhiều dự án chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân là do quy định pháp luật về xây dựng đô thị mới chỉ mang tính nguyên tắc, do đó bàn giao quản lý còn lúng túng khi thực hiện, dự án kéo dài nên bị ảnh hưởng; nhều dự án chủ đầu tư không thực hiện duy tu bảo dưỡng; nguồn lực quản lý chính quyền đô thị còn chưa tốt...

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung giải pháp rà soát quy định pháp luật để quy định rõ hơn trách nhiệm chủ đầu tư; quy định rõ cơ quan nhà nước thẩm định dự án hạ tầng đô thị; đề xuất sửa đổi một số Nghị định về nội dung này, trong đó có xử phạt hành chính nếu không tuân thủ….

Cùng trả lời chất vấn với ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho rằng, nguyên nhân ngập úng là do các chỗ ngập úng là chỗ thấp, sau khi sửa đường thì chỉ trải thảm lên, do đó cốt đường cao hơn cốt nhà, dẫn đến ngập úng. Bên cạnh đó, cống rãnh khu đô thị trước dây thường là nhỏ, không đáp ứng yêu cầu; các Bộ, ngành có liên quan đã có chỉ đạo về chuyên môn để không làm tăng cốt đường.

Còn tình trạng khu đô thị cũ vẫn ngập úng là vì kết nối giữa hạ tầng giao thông và hạ tầng khu đô thị trước đây không đồng bộ; trong quản lý vận hành cũng ko lưu ý về xử lý thoát nước. Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp, đầu tiên cần quản lý chặt quy hoạch đô thị và quy hoach giao thông để đảm bảo đồng bộ; tiếp theo cần quản lý tốt cốt xây dựng, không để cốt đường cao hơn cốt nhà.

Về tắc nghẽn ở các khu đô thị, nguyên nhân là do số lượng phương tiện giao thông lớn nhưng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp. Bộ Giao thông sẽ quản lý chặt quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, phát triển phương tiện giao thông công cộng, thực hiện đồng bộ, nhanh chóng việc di dời công trình, trụ sở, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức giao thông của người dân.

Cũng liên quan đến vấn đề đô thị, Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên- cho rằng, thực trạng hiện nay, việc quy hoạch xây dựng nhà ở khu chung cư cao tầng có nhiều bất cập. Điển hình như nhiều bài báo viết về sai phạm trong quy hoạch xây dựng nhà tại hai bên đường Lê Văn Lương, phá vỡ quy hoạch vào tầm nhìn chiến lược và mất cảnh quan đô thị. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tồn tại trong thời gian tới? Đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long - Đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp xử lý đối với một số dự án, công trình công cộng, trụ sở làm việc của một số cơ quan, đơn vị khi đưa vào sử dụng một thời gian, chưa hết bảo hành đã xuống cấp.

Đọc thêm