Thông tin tại buổi làm việc cho thấy: Từ năm 2021 đến nay, có 9 dự án của các nước Bắc Âu được thực hiện tại tỉnh Đắk Lắk . Đối với Chương trình do Chính phủ Đan Mạch tài trợ đã và đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 2.154 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ và cho vay với tổng vốn hơn 1.210 tỷ đồng. Các dự án, chương trình đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách hành chính, xử lý nước thải, môi trường, hỗ trợ kỹ thuật…
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh Minh Huệ |
Tại buổi gặp gỡ, đại diện tỉnh Đắk Lắk đã giới thiệu tổng quan cũng như những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt, các lĩnh vực đang được Đắk Lắk mời gọi đầu tư như: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ nông lâm sản; Công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản; Năng lượng tái tạo; Xây dựng các nhà máy chế biến nông lâm sản, chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản; Xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, trường học chất lượng cao; Hỗ trợ tiếp cận ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…
Đại diện tỉnh Đắk Lắk cho biết: Điển hình năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 30,32% so với năm 2021; Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê là 798 triệu USD; chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 380.000 tấn (trong tổng số 550.000 tấn cà phê sản xuất ra của toàn tỉnh). Đây là năm tỉnh Đắk Lắk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam ông Keijo Ensio Norvanto phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Minh Huệ |
Về phía Đoàn Đại sứ các nước Bắc Âu, các vị đại diện cũng đã thông tin về những chương trình xúc tiến thương mại, các chương trình, dự án đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Đoàn Đại sứ bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề như phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cà phê; Bảo vệ, phát triển môi trường bền vững; Môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ đầu tư, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính công và thuế trong quá trình giải quyết công việc với doanh nghiệp; Các lĩnh vực giáo dục, y tế…
Các đại sứ cũng mong muốn tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của các nước Bắc Âu tìm hiểu thông tin về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm hợp tác, đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Minh Huệ |
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk hy vọng các Đại sứ sẽ tiếp tục là cầu nối vững chắc để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu. Đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các Đại sứ trong việc giới thiệu các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Đắk Lắk./.