Hôm qua (4/12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 16.242 điểm cầu các ban, Bộ, ngành, đoàn thể, các đơn vị ở Trung ương và địa phương trên toàn quốc, với hơn 1 triệu 441 nghìn cán bộ, đảng viên tham dự.
Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc
Quán triệt Nghị quyết 43-NQ/TW về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khái quát lại những kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quyền làm chủ của Nhân dân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở… Bên cạnh kết quả trên, một số chính sách còn chưa sát với thực tiễn; đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” còn hạn chế...
Nhấn mạnh 3 lý do rất quan trọng để Trung ương ban hành Nghị quyết số 43, Chủ tịch nước cho biết, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, chúng ta đã có những bước tiến trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy. Tuy nhiên, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, Trung ương đã thống nhất đánh giá vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm và rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Cùng với đó, từ thực tiễn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cho thấy, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi, nhận thức về đoàn kết và ĐĐK cũng có nhiều yếu tố mới. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh ĐĐK toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, Nghị quyết 43 đặt quan điểm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ĐĐK toàn dân tộc.
Quan điểm đầy đủ, toàn diện, hệ thống về đại đoàn kết toàn dân tộc
Về nội dung của Nghị quyết số 43, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết có 4 quan điểm được Đảng tiếp cận đầy đủ, toàn diện, hệ thống.
Quan điểm thứ nhất, ĐĐK toàn dân tộc là truyền thống quý báu và là đường lối, chiến lược, xuyên suốt của Đảng. Đây là nguồn sức mạnh to lớn và là nhân tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi. Nền tảng quan trọng của ĐĐK toàn dân tộc chính là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Dẫn câu nói của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”, Chủ tịch nước cho rằng, đoàn kết đầu tiên là trong Đảng; đoàn kết kế tiếp là trong dân và đoàn kết thứ ba là đoàn kết quốc tế. Nếu chúng ta đoàn kết trong Đảng thì chúng ta có thành công; nếu chúng ta có đoàn kết trong Đảng và đoàn kết trong dân thì là chúng ta có thành công lớn hơn và nếu chúng ta có đoàn kết trong Đảng, trong dân và đoàn kết quốc tế thì chúng ta sẽ đạt tới ĐĐK, đại thành công lớn hơn.
Quan điểm thứ hai, xác định mục tiêu chung của dân tộc để phát huy truyền thống và sức mạnh của ĐĐK toàn dân tộc. Quan điểm thứ ba, đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu đoàn kết mà không có dân chủ là đoàn kết “xuôi chiều”.
Phân tích kỹ hơn, Chủ tịch nước nêu rõ: trong cuộc họp nếu không thẳng thắn, không trao đổi một cách chân thành, lắng nghe, phân tích, mổ xẻ mà bàn vấn đề gì chỉ chăm chú đi hỏi thủ trưởng nghĩ chuyện này thế nào để phát biểu cho trúng ý thủ trưởng là không nên. “Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa coi cấp trên nghĩ gì để nói là nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước… Đoàn kết phải phát huy dân chủ, chỗ nào không có dân chủ thì không có đoàn kết thực sự” - Chủ tịch nước lưu ý.
Quan điểm thứ tư, ĐĐK là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng giữ vai trò quan trọng nhất, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sáng tạo của Nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nghị quyết 43 đặt ra mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh ĐĐK toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi người có suy nghĩ khác nhau, thậm chí yêu nước bằng một cách riêng của mình, nhưng điểm chung nhất để hội tụ mọi người Việt Nam yêu nước thì lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng, là mục tiêu để tập hợp.