Linh động, sáng tạo, bám sát thực tiễn
Nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ diễn ra trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp; những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân luôn đặt ra thách thức lớn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, những lúc khó khăn nhất, Chính phủ luôn khẳng định tinh thần đổi mới, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc; tùy từng thời điểm, từng địa phương, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm. Các bộ, ban, ngành ở Trung ương phải nỗ lực hết mình, phải linh động, sáng tạo, bám sát tình hình thực tiễn, có các giải pháp tổng thể, đồng bộ, kịp thời trong phòng chống dịch để đạt hiệu quả cao nhất. Sau hơn ba tháng Chính phủ khóa mới được kiện toàn, qua các nghị quyết, nghị định, quyết định… được Chính phủ và Thủ tướng ban hành, nhiều vướng mắc trong thực tiễn đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và linh hoạt với những diễn biến của dịch COVID-19.
Thủ tướng luôn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải linh động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, có các giải pháp kịp thời trong phòng chống dịch. |
Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và xâm nhập vào Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vaccine.
Trên tinh thần đó, chiến lược vaccine đã và đang được triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không câu nệ hình thức ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế… để có thể đưa được vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19 về nước một cách sớm nhất và nhiều nhất.
Đã có hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi tranh thủ tiếp xúc song phương với các đối tác để trao đổi hợp tác về tiếp cận vaccine và hỗ trợ nguồn cung vaccine cho Việt Nam từ phía lãnh đạo cấp cao của ta.
Thông qua ngoại giao vaccine, đến nay Việt Nam đã nhận được hàng chục triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết. Điều này không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 22/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phương tiện phòng chống dịch COVID-19. Nhiều chuyên gia nhận định, khi các quy định hiện hành của pháp luật vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, chưa theo kịp thực tiễn thì đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết; tháo gỡ vướng mắc, lúng túng cho các bộ, ngành, địa phương trong việc mua sắm trang thiết bị trong trường hợp cấp bách; có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc bảo vệ an toàn tính mạng nhân dân.
Càng khó khăn càng phát huy năng lực, bản lĩnh, trí tuệ
Nhấn mạnh đến tinh thần đổi mới, phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XV, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ, QH và các vị đại biểu QH khóa XV cần nhận thức sâu sắc niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri, thấy rõ những khó khăn, thuận lợi, thời cơ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ. Phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường.
Chương trình của Kỳ họp thứ nhất được QH thông qua không hề có dự thảo nghị quyết về tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ QH đã thống nhất trình QH xem xét, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất.
Cho ý kiến tại kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta đang ở trong tình hình khẩn cấp về đại dịch COVID-19, nên đòi hỏi phải có các biện pháp cấp bách để kịp thời xử lý tình huống phát sinh. Do vậy, yêu cầu được đặt ra với nghị quyết này là tập trung xử lý những vướng mắc về mặt pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, thậm chí có việc chưa được quy định trong luật, nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý.
Nhờ những chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, nhiều khó khăn trong vận tải, lưu thông hàng hóa đã được tháo gỡ. |
Và trên tinh thần bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, ngày 28/7/2021, Nghị quyết 30/2021/QH15 của Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV đã được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, với 100% đại biểu QH có mặt ấn nút thông qua. Đây là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để Chính phủ triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống COVID-19 trong bối cảnh hiện nay; là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của QH trước nhân dân.
Các đại biểu QH đánh giá, việc làm này đã mở ra những giải pháp chưa từng có tiền lệ, cho phép Chính phủ, Thủ tướng được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất cho công tác phòng chống dịch.
Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sau khi Chính phủ có Tờ trình, ngày 6/8, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 “Về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19”. Không chậm trễ, trong cùng ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của QH.
Những việc làm này thể hiện tinh thần đổi mới, linh hoạt trong công tác lập pháp của QH, thể hiện một QH luôn đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nhiều đại biểu QH nhận định, việc làm này sẽ không thể xảy ra trong điều kiện bình thường, nhưng trong giai đoạn cấp bách thì cả QH và Chính phủ đều “xắn tay áo” cùng làm, không phân biệt “việc anh, việc tôi”, miễn sao có được những cơ chế, chính sách thuận tiện nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất trong phòng chống dịch, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau COVID-19. Đó chính là tinh thần “dĩ công vi thượng”, là nguyên tắc “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Do đáp ứng kịp thời và là điểm tựa vững chắc cho công tác phòng chống dịch COVID-19 nên Nghị quyết 30/2021/QH15 đi vào thực tiễn rất nhanh. Trên cơ sở Nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt các chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, như Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến vận tải, lưu thông hàng hóa; hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; xuất cấp trang thiết bị và lương thực cho các địa phương phòng, chống dịch bệnh...
Từ những việc làm thiết thực đó, tình hình sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa tại nhiều địa phương đã từng bước ổn định và đang lấy lại đà tăng trưởng.
Không chỉ là khoa học mà còn là niềm tin, tâm lý, nhân văn
Với tinh thần đổi mới, thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh, ngày 8/8, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% bệnh viện tuyến huyện đã chính thức vận hành. Nhờ nền tảng này, đến nay 100% cơ sở y tế tuyến huyện - kể cả những huyện xa xôi của đất nước cũng được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên. Mơ ước hàng chục năm qua của ngành Y tế đã thành hiện thực.
Cùng ngày, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia cũng đi vào hoạt động, thống nhất nền tảng công nghệ trên toàn quốc để chống dịch đồng bộ, hiệu quả nhất. Những việc làm trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự linh hoạt, nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Tại buổi ra mắt nền tảng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là phương tiện để chúng ta giảm tử vong ở mức tối đa nhất, cứu sống người bệnh sớm hơn, nhiều hơn. Chúng ta đã có thêm một công cụ, phương tiện để tự tin hơn. Theo Thủ tướng, vấn đề áp dụng công nghệ để chữa bệnh ở đây không chỉ là khoa học mà còn là niềm tin, tâm lý, nhân văn.
Còn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: COVID -19 làm cho chúng ta nhận ra những tiềm năng vô hạn, những năng lượng lớn lao chưa được khai thác. Chuyện 10 năm có thể làm 1 năm, một tháng, cũng có thể 1 ngày.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"