Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, sau 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có thể khái quát 3 thành tựu nổi bật. Thứ nhất, ASEAN là tập hợp của các nước Đông Nam Á có sự đa dạng về văn hóa, khác biệt về thể chế chính trị nhưng cùng nhau tập hợp thành một tổ chức, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, đặc biệt quan hệ thân thiện giữa các nước, tạo ra môi trường cho người dân trong cộng đồng ASEAN sinh sống trong một môi trường hòa bình.
Thứ hai, ASEAN từ tập hợp các nước phần lớn có nền kinh tế nghèo, lạc hậu đã trở thành một cộng đồng kinh tế năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra thị trường rộng lớn gồm 630 triệu người dân, với tổng sản phẩm quốc nội 3.000 tỷ USD, với mức tăng trưởng 4,7%/năm.
Thứ ba, ASEAN tạo được vị thế quan trọng mà hiếm có liên kết khu vực nào tạo được.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng ASEAN cũng có nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là trình độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực không đồng đều, còn có sự khác biệt trong lợi ích. Thách thức thứ hai là nằm ở việc ASEAN phải xử lý những cạnh tranh trong chiến lược của các nước lớn với khu vực. Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải đối phó với thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, bạo lực, khủng bố.
Về hình dung Cộng đồng ASEAN trong tương lai, Phó Thủ tướng cho biết, ASEAN đã xây dựng tầm nhìn năm 2025. Với tầm nhìn này, mục tiêu của ASEAN sẽ là tiếp tục xây dựng cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội. Một lĩnh vực nữa ASEAN hết sức quan tâm trong thời gian tới là làm sao xây dựng cộng đồng tự lực phát triển, đồng thời đóng vai trò trung tâm và vai trò đoàn kết.
“Xây dựng được sự đoàn kết là hết sức quan trọng đối với sự sống còn trong ASEAN. Bởi đó là mẫu số chung lớn nhất các lợi ích của các nước ASEAN. Duy trì được đoàn kết thì ASEAN mới duy trì được vai trò trung tâm của mình”, Phó Thủ tướng nói.
Người đứng đầu ngành Ngoại giao Việt Nam khẳng định kể từ khi tham gia ASEAN, chúng ta đã đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong vai trò thành viên. Các đóng góp này bao gồm mở rộng ASEAN, đưa ASEAN từ tập hợp 6 nước trở thành cộng đồng ngày nay gồm 10 nước; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; kết nối, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ và quan hệ chiến lược giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài khu vực, đưa ra những sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á, đề xuất sáng kiến mở rộng cơ chế hỗ trợ quốc phòng mở rộng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng 2 lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN; đóng góp hết sức tích cực vào việc giúp ASEAN đối mặt với các thách thức, như việc xây dựng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Về tác động tới việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như mở rộng quan hệ thương mại với các nước của Việt Nam sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, có nghịch lý là thương mại giữa Việt Nam và ASEAN bị giảm đi khoảng 7 đến 8% sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời. Mặc dù vậy, ông khẳng định chắc chắn đầu tư của các nước vào Việt Nam tăng lên rất nhiều.