Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế

(PLVN) - Trong hai ngày 24 và 25/10, Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị NHCSXH do ông Ngô Văn Cương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, Đoàn kiểm tra, giám sát đã làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, Đoàn làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã Hương Thủy về việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách và kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay thực tế của một số hộ vay tại phường Thủy Lương.

Báo cáo với Đoàn về kết quả hoạt động năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, bà Phạm Hương Giang, Giám đốc Chi nhánh, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh có 246 thành viên; trong đó có 13 thành viên cấp tỉnh và 233 thành viên cấp huyện với 141 thành viên là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Ban đại diện các cấp đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ đã đề ra trong công tác chỉ đạo, phối hợp rà soát đối tượng vay vốn, giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách nhanh chóng đi vào đời sống người dân.

Bà Phạm Hương Giang, Giám đốc Chi nhánh, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra.

Bên cạnh đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh còn tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ với trọng tâm là cân đối ngân sách chuyển nguồn vốn uỷ thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời bám sát các quy định của pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên để triển khai kịp thời, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân.

Đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 4.751,02 tỷ đồng, tăng 367,59 tỷ đồng so với năm 2023, tăng trưởng 8,4%; tổng dư nợ đạt 4.740,77 tỷ đồng, tăng 365,36 tỷ đồng so với năm 2023, tăng trưởng 8,4% (hoàn thành 93,16% kế hoạch được giao). Có 2.329 tổ tiết kiệm và vay vốn, 96.782 khách hàng còn dư nợ.

Trong 9 tháng đầu năm vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 13.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn; 1.000 lượt hộ vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 5.000 lao động; gần 800 học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp gần 9.300 hộ gia đình ở khu vực nông thôn cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt chuẩn.

Ông Ngô Văn Cương, Bí Thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Uỷ viên HĐQT NHCSXH phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng; chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Kiến nghị, đề xuất NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cân đối bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn theo kế hoạch xây dựng hằng năm và giai đoạn, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội và cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn lực để tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai hoạt động tín dụng chính sách; bổ sung thêm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình có mức sống trung bình được vay vốn để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và có cơ chế chính sách tín dụng chuyển tiếp đối với các đối tượng tại các xã đã ra khỏi danh mục vùng khó khăn theo Quyết định 1010/QĐ-TTg.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Ngô Văn Cương, Bí Thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Uỷ viên HĐQT NHCSXH cảm ơn Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để Chi nhánh NHCSXH tỉnh phát triển toàn diện, phục vụ tốt các đối tượng vay vốn.

Thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí vốn ngân sách đáp ứng mục tiêu chiếm 15%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách theo Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; tập trung xử lý nợ quá hạn các trường hợp vay vốn tín dụng đã đi khỏi địa phương...Tiếp tục nêu cao vai trò của các thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp, đặc biệt là các thành viên Ban đại diện HĐQT trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách; chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn.

Đọc thêm