"Đứng chân" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mới được 3 năm nhưng dường như, những người lính Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 79 ( Binh đoàn 15) đã “đứng” trong lòng người dân Vân Kiều ở đây vững lắm rồi. Không chỉ bằng “con cá”, người lính Đoàn 79 còn tri ân bà con Vân Kiều một lòng theo đảng, theo cách mạng này bằng “ những chiếc cần câu”…
Cán bộ Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 hướng dẫn đồng bào trồng cây cao su. |
Đem cây cao su về…
Năm 2009, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Bình và Binh đoàn 15 đã phối hợp thực hiện dự án Khu Kinh tế Quốc Phòng (KTQP) nam Quảng Bình, trong đó có dự án phát triển 3.600 ha cao-su tại các xã Ngân Thủy, Kim Thủy và Lâm Thủy (huyện Lệ Thuỷ). Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 quyết định điều động Đoàn KTQP 79 từ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ra Quảng Bình làm nhiệm vụ.
Nhận nhiệm vụ đến vùng đất mới, những người lính Đoàn KTQP 79 không khỏi trăn trở vì trong những năm chống Mỹ, đồng bào dân tộc ở đây đều hết lòng giúp bộ đội. Thế nhưng, đến nay, đời sống của phần lớn bà con đều còn rất khó khăn.
Những ngày đầu đến vùng đất này, chỉ riêng việc tìm được diện tích đất đủ rộng, bằng phẳng để lập doanh trại cũng đã khó rồi. Đại tá Nguyễn Văn Quốc, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế- Quốc phòng (KTQP) kể: “Ngày Đoàn lên đây, khó khăn bộn bề. Trong khi xây dựng lán trại ở tạm, chúng tôi vẫn phải nhanh chóng triển khai công việc trồng cây cao su. Với diện tích đất được giao lên tới 1.139 ha với tổng mức đầu tư đến năm 2020 lên đến 1.426 tỷ đồng. Chạy đua với mưa rừng, muỗi, vắt, trong hơn hai năm đầu, chúng tôi đã trồng được 450 ha cao su. Riêng cuối năm 2009 đã trồng 26 ha”.
Chính vì ấn tượng với con số này, những người lính Đoàn KTQP 79 và đồng bào Vân Kiều xã Ngân Thủy đã đặt tên cho diện tích cao su trồng đầu tiên này là “đồi 26”.
Chuyện Đoàn KTQP 79 hành quân từ Tây Nguyên ra đứng chân trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Binh đoàn 15, còn là sự tri ân, giúp đỡ đồng bào thiểu số, đặc biệt là đồng bào Vân Kiều ở đây thoát nghèo.
Trung tá Nguyễn Sỹ Luân, Đoàn phó Đoàn KTQP 79 kể: “Qua những lần tiếp xúc, chúng tôi thấy đồng bào Vân Kiều vẫn duy trì tập quán canh tác lạc hậu, chặt- đốt- cốt- trỉa; sống nhờ rừng, dựa hẳn vào rừng nên khi nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng thì đồng bào không còn chỗ bám víu, lại luẩn quẩn với cái nghèo. Đoàn KTQP 79 với đặc thù của mình có cách giúp đỡ rất sát thực- cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, bám dân, bắt tay chỉ cho dân”.
Bà con làm đất chuẩn bị cho vụ trồng cao su mới |
... giúp đồng bào thoát nghèo
Cây cao su đứng chân vững vàng, đem lại sự đổi thay về kinh tế- xã hội cho các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy dọc đường 10. Tổng số lao động của Đoàn KTQP 79 đến nay đã hơn 200 người, trong đó có rất nhiều lao động là người Vân Kiều. Bình quân mỗi lao động nhận khoán 3,6 ha cao su. Nhờ cách giao khoán trực tiếp này mà diện tích cao su ngày càng phát triển, người lao động gắn bó với cây cao su, với người lính Đoàn KTQP 79 hơn. Mức lương bình quân cũng tăng từ 3 triệu đồng năm 2010 lên trên 4 triệu đồng năm 2011.
Gặp chúng tôi đang khi đang chăm sóc diện tích cao su nhận khoán, chị Hồ Thị Bông (xã Ngân Thủy) hồ hởi: “Gia đình tôi có 3 người được Đoàn KTQP 79 nhận vào làm công nhân. Một tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng. Từ trước đến nay, làm nương, làm rẫy vẫn thiếu ăn, nghèo đói. Giờ có bộ đội về giúp dân, vui cái bụng lắm. Tháng lương đầu tiên được nhận hơn 3 triệu, không tin vào mắt mình vì có lúc mô cầm được số tiền lớn như vậy. Bây giờ thì tin rồi, nghe theo bộ đội thì chắc chắn sẽ chiến thắng nghèo đói”.
Cùng với việc tạo việc làm cho bà con Vân Kiều thì công tác dân vận và bảo đảm an ninh quốc phòng cũng đã được Đoàn KTQP 79 chú trọng. Trong năm 2011, đơn vị đã tặng 6 nhà đại đoàn kết cho các gia đình chính sách với trị giá hơn 180.000.000 đồng; Hỗ trợ xây nhà di dãn dân cho 18 hộ công nhân (trong đó có 4 hộ đồng bào Vân Kiều); Tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh miễn phí cho bà con Vân Kiều. Dịp Tết và các ngày lễ lớn của dân tộc, đơn vị đều tổ chức thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách; tặng quà cho học sinh con em dân tộc Vân Kiều...
Đặc biệt, Đoàn KTQP 79 còn phối hợp rất hiệu quả với Lâm trường Khe Giữa, Đồn biên phòng 601- Làng Ho, Hạt kiểm lâm Lệ Thủy… bắt giữ nhiều vụ khai thác gỗ trái phép tại lâm phần, góp phần giữ vững an ninh chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn biên giới.
Với thành công này, Đoàn KTQP 79 được UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá là “đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su tại Quảng Bình, đơn vị giàu kinh nghiệm trồng cao su và xây dựng khu kinh tế kết hợp quốc phòng. Đơn vị cũng xây dựng được mối quan hệ rất tốt, gắn kết với các sở, ngành, chính quyền sở tại và nhân dân trên địa bàn; giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong khu vực…”.
Khoa Lâm - Thanh Long