Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục kiến nghị gỡ khó

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng dầu được chia cho 3 khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ nhưng suốt thời gian qua, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng không được hưởng phần quy định này, khiến cho việc kinh doanh rơi vào tình thế khó khăn.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục kiến nghị gỡ khó

Doanh nghiệp bán lẻ chịu thiệt?

Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) xăng dầu vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng và các bộ, ngành về việc yêu cầu hoàn trả phần lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh định mức cho DNBL xăng dầu. Đơn kiến nghị nêu rõ, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu).

Cụ thể, từ khi ban hành Thông tư 104/2021/TT-BTC, trong giá cơ sở đều có liệt kê chi phí kinh doanh định mức là 1.050đ/lít và lợi nhuận định mức là 300đ/lít. Trong phần chi phí trên, quy định cũng nêu rõ dành cho cả khâu bán buôn và bán lẻ nhưng không ghi rõ tỷ lệ phân chia nên DN đầu mối hưởng gần như hầu hết phần chi phí này.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) phân tích, chi phí kinh doanh định mức là một phần cấu thành giá cơ sở, là giá mà đầu mối phải trả cho các mắt xích mạng lưới phía dưới bao gồm các cửa hàng bán lẻ. Điều này đồng nghĩa với việc định mức lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức của bán lẻ xăng dầu đã được quy định. “Nhưng hiện tại các DNBL chưa được hưởng phần chi phí này. Trong mức giá bán lẻ mà Liên Bộ quy định không thấy lợi nhuận của DNBL nằm ở đâu. DNBL chưa nhận được thù lao của mình mà chỉ được các thương nhân đầu mối chiết khấu “tùy tình hình”, thậm chí bằng 0, gây thua lỗ rất nhiều” - ông Thắng nói.

Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, chính vì không phân chia rõ ràng tỉ lệ của lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh định mức nên hơn một năm qua, DNBL phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Rất nhiều người đã phải cầm cố ruộng đất, bán bớt đi các cây xăng vì không đủ điều kiện duy trì.

Đề xuất phân chia rõ ràng lợi nhuận định mức

Ông Giang Chấn Tây cũng phân tích, phải nhìn nhận thực tế, DNBL không phải một đơn vị nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của DN đầu mối hay thương nhân phân phối. Trước đây, hình thức kinh doanh của DNBL được nhìn nhận như một đại lý nhưng thực chất hoàn toàn không đúng.

DNBL phải bỏ tiền của mình để mua hàng của DN đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập và thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước độc lập. Thực chất, DNBL mua hàng của DN đầu mối theo dạng mua đứt bán đoạn với giá do Liên Bộ Công Thương - Tài chính quy định. Do đó, cần phải phân chia tỉ lệ rõ ràng phần lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh định mức cho đủ 3 khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ.

Cộng đồng DNBL đề nghị, Liên Bộ Tài Chính - Công Thương cần thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350đ chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định để xem DNBL nhận được bao nhiêu đồng, từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong sửa đổi nghị định và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà DNBL bị chiếm đoạt và khiến cho DNBL kiệt quệ trong khoảng hơn 1 năm nay.

Đáng chú ý, một DNBL chia sẻ với PLVN: “Cả một năm qua, chúng tôi không có lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu, chưa kinh doanh đã bị lỗ nên liên tục phải mang tiền nhà, bán đất cát ruộng vườn để duy trì chuỗi cung ứng xăng dầu. Bị dồn vào đường cùng nên chúng tôi mới nghiên cứu kỹ càng quy định về kinh doanh xăng dầu, mới vỡ lẽ phần chúng tôi phải được hưởng đã bị các mắt xích phía trên hưởng hết”.

Tại các tọa đàm liên quan đến kinh doanh xăng dầu gần đây, hầu hết đại diện các DNBL đều đề cập đến việc tùy tiện thực hiện chiết khấu của DN đầu mối - thương nhân phân phối và đặt câu hỏi, các DN đầu mối - thương nhân đầu mối thông báo chiết khấu rất thấp, thậm chí 0 đồng cho DNBL căn cứ vào thông tư nào, nghị định nào, điều luật nào? Thời điểm Nhà nước điều chỉnh premium (tiền lãi trả cho người bán) tăng và xác định chi phí đưa xăng dầu về cảng giảm nhưng chiết khấu vẫn 0 đồng. Vì sao?

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát cho biết, thời điểm tháng 2/2023 trong khi tỷ giá ngoại tệ tăng đồng nghĩa với việc DN đầu mối phải trả nhiều tiền hơn để mua xăng dầu nhưng chiết khấu cho DNBL lại tăng đột biến? Điều này có thể hiểu rằng, thời gian trước đó, đáng lẽ DNBL cũng phải được hưởng chiết khấu để đảm bảo ít nhất hòa vốn.

Do đó, cộng đồng DNBL xăng dầu - khu vực chiếm đến 9.000 cây xăng bán lẻ (trong tổng số 17.000 cây xăng của cả nước) đã ký đơn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sửa nghị định kinh doanh xăng dầu để đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng bán lẻ - mắt xích cuối cùng và quan trọng trong lưu thông xăng dầu.

Đọc thêm