Doanh nghiệp chế biến thủy sản: Phương án sản xuất cần linh hoạt để đạt “mục tiêu kép”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Do có nhiều đặc thù nên việc thực hiện “3 tại chỗ” - 3T (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) đối với các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn so với ngành nghề khác.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ tổ chức ngày hôm qua (17/9), một loạt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) ngành chế biến xuất thủy sản được nêu lên.

Ngoài các khó khăn chung của DN hiện nay như hiệu quả sản xuất-kinh doanh giảm, mất đơn hàng, đền bù hợp đồng; nguy cơ mất khách hàng dài hạn; chi phí vật tư tăng cao do lưu thông khó khăn, thiếu nguồn hàng; chi phí đảm bảo 3T rất cao (tăng 200- 300%)… thì các DN thủy sản còn chịu chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh trữ hàng; Cước tàu biển tăng; Giá thành sản phẩm tăng, kinh doanh lỗ...

Đặc biệt, do có đặc thù là chế biết “ướt” nên DN không có sẵn điều kiện để bố trí lưu trú, ăn ở tại chỗ cho công nhân; Nếu thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” (2T) thì cần phương tiện vận chuyển hàng nghìn công nhân hàng ngày.

Tại Hội nghị nhiều DN cho rằng không thể có công thức chung, đáp án chung cho tất cả DN mà cần dựa trên những nguyên tắc chính thức, thống nhất, rõ ràng về phòng dịch, di chuyển của lao động, cơ sở vật chất và kết cấu dây chuyền sản xuất… để xây dựng phương án cụ thể cho từng DN, từng khu công nghiệp, có sự thẩm định của địa phương.

Để xây dựng phương án sản xuất, chế biến phù hợp. DN đề xuất tiếp tục phân vùng để kiểm soát theo 3 cấp độ vùng xanh – vùng cam – vùng đỏ; Cho phép các DN linh hoạt lựa chọn mô hình 3T, “3 xanh”, “1 cung đường nhiều điểm đến” hoặc kết hợp, xây dựng phương án áp dụng phù hợp khả năng và điều kiện.

Khuyến khích DN đã duy trì tốt mô hình hiện tại mở rộng qui mô sản xuất trên cơ sở có vùng đệm giữa nhân sự mới và nhân sự hiện đang thực hiện 3T; Cho phép các DN tự xét nghiệm với điều kiện phải mua test kit trong danh mục của Bộ Y tế…

Ngoài ra, DN đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ, thống nhất điều kiện nào thì người lao động được đi làm, di chuyển trong vùng, liên vùng, tương ứng mức độ tiêm 1 mũi, tiêm đủ 2 mũi, đã khỏi bệnh, cư trú tại vùng xanh để quản lý tương ứng (thẻ xanh, thẻ vàng). Hướng dẫn rõ phương pháp xử lý khi có ca nhiễm, để DN xử lý đúng và tái sản xuất lại nhanh chóng…

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nếu như cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7 có 449 cơ sở còn hoạt động thì đến cuối tháng 7/2021, đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) và đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3T.

Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30- 40% so với đầu tháng 7/2021 trước khi giãn cách toàn vùng. Các tỉnh có số DN ngừng SX nhiều nhất: Cần Thơ, Tiền Giang. Hiện tại, có tổng số 31 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có ca nhiễm COVID-19. Xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ.

Về phương thức phòng chống dịch của các cơ sở đang hoạt động: 3T có 160/273 cơ sở (chiếm 58.6%); 2T có 42/273 cơ sở (chiếm 15.4%), vùng xanh 5/273 cơ sở (chiếm 1.8%), 3T kết hợp với 2T hoặc kiểm soát khác 66/273 cơ sở (chiếm 24.2%).Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%...

Đọc thêm