Doanh nghiệp chọn phát triển bền vững để 'vượt sóng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Phát triển bền vững đang là mục tiêu các doanh nghiệp phải hướng tới để vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua khó khăn, thách thức. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua khó khăn, thách thức. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn

Tại Diễn đàn: Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á.

“Có được sự phát triển như vậy không thể không khẳng định sức đóng góp và sự sáng tạo không biết mệt mỏi của doanh nghiệp (DN)”- ông Phòng nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông Phòng, dù khu vực DN đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

“Thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 DN gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 DN tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực DN vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước…”- ông Phòng dẫn chứng.

Nhận định về những khó khăn mà DN vẫn đang phải đối mặt, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN dự báo sẽ có nhiều khó khăn, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và đặc biệt thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, Ngoài ra về sản xuất kinh doanh, nhiều DN trong đó có các DN dệt may vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023.

“Sự quan tâm của Chính phủ với vai trò “bà đỡ” nhằm hỗ trợ cộng đồng DN là cần thiết, song phải khẳng định cái để phát triển và tồn tại vẫn cần vai trò của DN” - ông Long nói.

Hết thời doanh nghiệp phát triển dựa vào vốn

Giám đốc điều hành Economica Vietnam, ông Lê Duy Bình dẫn số liệu về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) bày tỏ lo ngại về xu thế đảo chiều giữa khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. “Nếu năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP. Điều này cho thấy khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn. Tuy nhiên xu hướng này đảo ngược ở giai đoạn dịch bệnh vừa qua, khi mà khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn cho 1 đồng GDP thì khu vực tư nhân lại cần đến 23 đồng”- chuyên gia này phân tích.

Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, bất chấp tốc độ tăng trưởng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động liên tục giảm, sự đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào GDP cũng giảm theo. Ông Bình nhấn mạnh đây là điều cần phải đảo ngược, thay đổi để giúp DN “vượt sóng”.

“Thời kỳ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua rồi. Sự suy giảm của hệ số ICOR đầu tư tư nhân trong 2 năm vừa qua có thể là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ gia tăng sản lượng chỉ bằng cách gia tăng nguồn vốn đầu tư đã qua và khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực khác để đóng góp cho gia tăng sản lượng, gia tăng tăng trường như công nghệ và nguồn nhân lực”- ông Bình lưu ý.

“Mục tiêu của VCCI mong muốn là DN tư nhân đăng ký chính thức theo Luật DN đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP (hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP); Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ…”- Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng lưu ý.

Ông Phòng cũng nhấn mạnh, sự phát triển của DN cũng cần phát triển theo hướng phát triển bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số DN sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn, tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10%, tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%...

Để đạt được các mục tiêu trên, các DN càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để thực sự phát triển. Lãnh đạo VCCI cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với DN, tham vấn góp ý chính sách pháp luật; tập hợp và phản ánh ý kiến của DN, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan.

Đọc thêm