Tại buổi gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045” diễn ra chiều 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn lắng nghe tiếng nói từ giới doanh nhân, trí thức, doanh nghiệp để làm sao đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế. "Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức thường niên, trao đổi nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, môi trường, kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng...
Tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ niềm tin đến năm 2045, tức 25 năm nữa, một phần tư thế kỷ nữa, thời gian đủ dài để xuất hiện những doanh nghiệp, tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam.
“Chúng ta thống nhất doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ nhận định chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập, quy mô GDP Việt Nam ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.
"Mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn", Thủ tướng nói.
Theo lãnh đạo Chính phủ, ngày nay, mục tiêu của doanh nghiệp nếu vẫn được định nghĩa là tốt đa hóa lợi nhuận thì sẽ lạc hậu. Mục tiêu của doanh nghiệp không thể chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Hội nghị có sự tham dự của hàng chục doanh nghiệp. Ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các tập đoàn tham dự hội nghị khoảng hơn 26 tỷ USD một năm.
Tại buổi Đối thoại 2045, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan nêu ý kiến để đạt được mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, định hướng tiêu dùng để tạo động lực cho phát triển.
Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối.
Theo ông, chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Vấn đề thứ hai mà chủ tịch Masan đề cập là chú trọng nền tảng công nghệ, chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống sang nền kinh tế số hóa. Ông đề xuất cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Bởi nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Cùng đề cập đến vấn đề phát triển nông nghiệp, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam, cho biết, để cùng đất nước phát triển trong thời gian tới, cũng như hướng tới cột mốc năm 2045, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực, hình thành nhiều ngành nghề mới có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế, trong đó có ngành macca.
Theo ông Minh, nông sản Việt Nam luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, do đó, nông sản cần phải hình thành chuỗi cung ứng khép kín, nhất là nông sản có lợi thế như cây macca.
Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam cho biết, hiện nay, nguồn lực phát triển cây macca còn rất lớn, với 1 triệu ha có thể trồng ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thời gian qua đã có sản phẩm tín dụng cho cây macca, theo chuỗi sản xuất và vòng đời sản phẩm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Macca, chi phí đầu tư 300 triệu/ha, 5 năm người trồng đã có thu hoạch và hồi vốn. Từ năm thứ 6 thu được 300-500 triệu/ha.
Để phát triển mạnh được cây macca trong, ông Dương Công Minh đề xuất Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển cây macca, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD.
Về mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam 2045, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco đề xuất để phát triển bền vững, thời gian tới Việt Nam nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng khoa học, công nghệ. Ông nhấn mạnh con người của đất nước công nghiệp phải là con người công nghiệp. Đó là con người có tư duy kỹ thuật, sáng tạo, làm việc với tinh thần tỉ mỉ, kỷ luật và có tính tuân thủ cao.
Ngoài ra, Việt Nam cần ứng dụng công nghệ, các nền tảng quản trị trong phát triển công nghiệp. Vị này cũng tiết lộ đến năm 2023, Thaco sẽ quản trị trên nền tảng số, đưa công nghệ riêng vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân là đề xuất được Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank Đỗ Minh Phú đề cập đến trong buổi đối thoại.
Ông Đặng Hồng Anh đề xuất Chính phủ cần có các chính sách tư nhân hóa mạnh mẽ hơn nữa, xem phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng bậc nhất trong quá trình phát triển. Ông kiến nghị cần có những chính sách cởi mở về tuyển dụng người tài vào bộ máy công quyền để trí thức tài năng trong nước có thể tham gia vào bộ máy Nhà nước, gia tăng số lượng doanh nghiệp trong hiệp hội để cùng đóng góp kiến thức thực tiễn.
Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng mong Chính phủ tập trung thêm về chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để Việt Nam tránh trở thành nền kinh tế gia công.
Cùng chung quan điểm về việc cần phát triển nền kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TPBank Đỗ Minh Phú nêu dự báo đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ chiếm 60% GDP, đóng vai trò quan trọng cho mục tiêu 2030 và 2045.
Chính vì lẽ đó, ông Phú mong muốn doanh nghiệp được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, được trao cơ hội kinh doanh.
Chủ tịch TPBank cũng kiến nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (Data) để phục vụ chiến lược kinh tế số. Hạ tầng dữ liệu này bao gồm dữ liệu về con người; về tổ chức, ngành, dữ liệu gắn với cơ quan, tổ chức, các hồ sơ hành chính về doanh nghiệp và dịch vụ công; dữ liệu ngành y tế, về tài nguyên môi trường, ngành giao thông vận tải quản lý đô thị cơ sở hạ tầng... Các dữ liệu này cần thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, hiệu quả và bảo đảm quyền riêng tư cá nhân.
Về vấn đề này, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo mong muốn Chính phủ cần tin tưởng hơn ở doanh nghiệp, kinh tế tư nhân bằng cách hỗ trợ hình thành tập đoàn kinh tế có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp...
"Quốc gia đổi mới, cải cách sẽ thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới này cần thực hiện toàn diện và đồng bộ giữa các ngành từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng...”, bà Thảo nhấn mạnh.
Đưa ra vấn đề phát huy nội lực để đón ngoại lực, "dọn tổ cho đại bàng", Chủ tịch quỹ đầu tư VinaCapital Don Lam cho biết các tập đoàn lớn vào Việt Nam không chỉ quan tâm đến giá đất hay môi trường sản xuất mà còn môi trường sống, làm việc của cán bộ, nhân viên. Do đó, Chính phủ cần kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất với thành phố và khu dân cư vệ tinh để tạo điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ chuyên gia và người lao động.
Bên cạnh đó, ông đề xuất cần tập trung vào sự kết nối của thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng với các khu công nghiệp, chế xuất để tiết kiệm thời gian cho người lao động.
Về chỉ số thuận lợi kinh doanh, các tập đoàn lớn đến đầu tư vào Việt Nam rất muốn các lãnh đạo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục.
“Một doanh nghiệp FDI có nhu cầu đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam không thể đợi 3-5 năm để làm thủ tục tại các bộ ban ngành có liên quan ”, ông lấy ví dụ.
Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam cần phát triển công nghiệp văn hóa, đó là ý kiến mà CEO Công ty Đại Việt VAC Đinh Bá Thành đề cập trong buổi gặp mặt chiều nay. Theo ông Thành, các đô thị lớn trên thế giới sở hữu nền văn hóa kinh tế riêng như London, Los Angeles, Paris, Tokyo...
Nhiều nước trên thế giới cũng có chiến lược phát triển văn hóa như chiến lược "Sáng tạo Anh Quốc" (Creative Britain) đã mang về 120 tỷ USD. Tại Hàn Quốc sự phát triển kinh tế cũng chú trọng vào văn hóa.
Ông cho rằng trong hơn 20 lĩnh vực trong ngành kinh tế sáng tạo như truyền thông, âm nhạc, du lịch, phần mềm, thiết kế, xuất bản... có những cơ hội nhất định. Trong đó, Việt Nam có một số thế mạnh như về ẩm thực nổi tiếng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, các đặc sản riêng biệt... tạo tiền đề cho phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo.
"Kinh tế văn hóa sáng tạo là con đường ngắn và có thể là con đường duy nhất giúp Việt Nam trở thành cường quốc trong thời gian tới", ông cho biết.