Doanh nghiệp dùng mạng xã hội để 'vượt khó'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong bức tranh toàn cảnh mạng xã hội Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp cũng là đối tượng sử dụng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp đã xác định mạng xã hội là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển, công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh và sản phẩm, thông qua đó cải thiện kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Mạng xã hội cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp F&B khởi nghiệp và phát triển. (Ảnh minh họa)
Mạng xã hội cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp F&B khởi nghiệp và phát triển. (Ảnh minh họa)

Ứng xử đẹp đem lại cơ hội tốt

Trong những năm qua, mạng xã hội, cùng với thương mại điện tử, là những lĩnh vực có bước nhảy vọt vượt bậc. Theo một thống kê, hiện nay Việt Nam đã có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội mỗi ngày, còn các sàn thương mại điện tử có đến hơn 45 triệu người Việt mua hàng tiêu dùng trực tuyến. Hơn 70% người tiêu dùng đã từng tìm kiếm và mua sắm trên Internet. Mỗi ngày, người Việt dành trung bình 2 tiếng 21 phút dùng mạng xã hội để nhắn tin, kết nối, tương tác, làm việc... Tính đến tháng 1/2021, có 68 triệu tài khoản Facebook (với 87,3% người dùng trên 13 tuổi) có thể tiếp cận được, tăng thêm 7 triệu so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, YouTube cũng không hề kém cạnh với 55,7 triệu tài khoản có thể tiếp cận được bằng quảng cáo.

Đáng nói, trong giai đoạn kinh tế khó khăn sau dịch, nhiều doanh nghiệp dù phải cắt bỏ các chi phí hoạt động nhưng vẫn tập trung đẩy mạnh chính việc quảng bá trên mạng xã hội. Không chỉ bởi mạng xã hội có khả năng tiếp cận số đông người dùng, trong đó có đối tượng khách hàng tiềm năng mới, mà còn có chi phí tương đối hợp lý. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu uy tín trên mạng xã hội, các doanh nghiệp cũng phải duy trì những hành xử văn hoá, thông minh, đặc biệt khi có phản hồi tiêu cực từ khách hàng và dư luận. Những doanh nghiệp biết cách tận dụng lợi thế này có thể tạo ra những đột phá về mặt thương hiệu, gây dựng niềm tin với khách hàng khi mạng xã hội đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của phần đông người dân.

Dẫn chứng cho điều này chính là những doanh nghiệp trong ngành ẩm thực (F&B). Theo Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2022 với chủ đề “Cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam” công bố vào tháng 4/2023, về triển vọng năm 2023, Báo cáo cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực do tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ở gần “bờ vực suy thoái” khi nhiều quốc gia buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, xung đột tại Ukraine tiếp diễn cùng với hàng loạt vấn đề phát sinh khác như gián đoạn chuỗi cung ứng, đà tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất. Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế, ngành ẩm thực (F&B) dường như đang là “điểm sáng” lẻ loi khi có chỉ số tăng trưởng dự kiến 18%, đạt 720.300 tỷ đồng.

“Mặc dù kinh tế năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thực tế khách hàng phần lớn vẫn muốn dành nhiều chi tiêu cho trải nghiệm ẩm thực, với tỷ lệ 77% thực khách dự kiến giữ nguyên, thậm chí tăng mức chi tiêu cho ẩm thực trong năm 2023”, báo cáo viết. Bên cạnh nguyên nhân giải thích cho sự phát triển này là bởi ẩm thực là nhu cầu tất yếu, còn một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là sự tận dụng các trang mạng xã hội một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp ẩm thực như nhà hàng, quán cafe, quán ăn,… luôn có sự hiện diện trên các trang mạng xã hội phổ biến như Instagram, Facebook, Tik Tok,…; và đây cũng là những nền tảng người dùng trẻ thường sử dụng để tra cứu, tìm kiếm các điểm đến ẩm thực mới.

Một ví dụ cho sự phát triển bền vững là công ty cổ phần thực phẩm quốc tế Torki sở hữu thương hiệu Torki Food. Khởi nghiệp từ một chiếc xe bán bánh mì Kebab, sau 9 năm, hệ thống nhượng quyền thức ăn nhanh Torki Food đã có hơn 450 cửa hàng tại 42 tỉnh, thành trên toàn quốc, hàng trải dài khắp 42 tỉnh, thành tại Việt Nam. Báo cáo quý I của công ty tương đối khả quan khi nhượng quyền thành công 21 điểm bán trải dài khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Thông qua mạng xã hội, website và nhiều hình thức quảng bá khác nhau, các khởi nghiệp trong ngành F&B có thể tiếp cận đến các thực khách và các đơn vị hộ kinh doanh, doanh nghiệp phù hợp để tìm kiếm sự hợp tác. Có thể thấy, dù trong thời kì khó khăn, các doanh nghiệp giữ vững được uy tín trên các nền tảng trực tuyến đều có lợi thế tốt hơn, bởi thói quen phổ biến của phần lớn khách hàng hiện nay là sẽ tra cứu sự hiện diện của doanh nghiệp đó trên các trang mạng xã hội, website trước khi quyết định sử dụng dịch vụ, sản phẩm.

Một ví dụ khác là việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển du lịch. Biểu hiện dễ thấy nhất là hầu hết các tỉnh, các ngành, các địa phương giàu tiềm năng và các khu, điểm du lịch đều chú trọng quảng bá, tuyên truyền tiềm năng, lợi thế và thành quả phát triển du lịch địa phương, đơn vị trên mạng xã hội và Internet. Thông qua những kênh trực tuyến, các đơn vị này có thể đưa hình ảnh du lịch đi xa hơn và đến gần hơn với du khách một cách thuận tiện và trực quan nhất.

Tuy nhiên, từ câu chuyện “suất bún chả 35.000 đồng chỉ có 2 miếng chả” ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), hay “suất cơm sườn giá 120.000 đồng chỉ có cơm trắng, rau luộc, một miếng sườn chua ngọt và nước canh” tại công viên Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội), cho thấy những phản hồi tiêu cực về điểm đến có sức lan toả rất nhanh trên mạng xã hội, đòi hỏi các cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng. Nếu doanh nghiệp lơ là việc xử lý truyền thông và xây dựng hình ảnh đẹp trên mạng thì có thể ảnh hưởng đến kinh doanh của chính doanh nghiệp đó.

“Vượt khó” thông qua mạng xã hội

Trong một sự kiện đáng chú ý giữa Việt Nam và Hàn Quốc vào đầu tháng 6 - Blockchain 2023, do Korea CEO Summit (KCS), Liên minh chuyển đổi số DTS Group và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức. Các doanh nghiệp cả hai quốc gia đều đồng tình rằng, cần xây dựng cộng đồng công nghệ blockchain và web 3.0 tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vươn lên vị trí quan trọng trong khu vực châu Á cũng như trên toàn cầu. Theo đó, web 3.0 là thế hệ mới nhất của công nghệ Internet, cho phép người dùng tạo nên các ứng dụng và trang web thông minh với sự hỗ trợ của hàng loạt công nghệ hiện đại như: Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) hay công nghệ máy học (Machine Learning).

Cụ thể, ông Park Bong Kyu - Chủ tịch Korea CEO Summit bày tỏ: “Hiện tại, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều đang nỗ lực hết sức để phát triển công nghệ blockchain. Đối với Hàn Quốc, công nghệ blockchain đã được xem là một trong những lĩnh vực tiên tiến nhất của quốc gia. Việt Nam đã và đang bắt đầu có sự quan tâm nhiều hơn và đánh giá cao sự tiềm năng của công nghệ này. Cả Hàn Quốc và Việt Nam đang đón nhận sự phát triển của các công nghệ mới, trong đó có blockchain. Việc hợp tác đầu tư vào các dự án liên quan đến blockchain có thể góp phần mang lại sự phát triển cho cả hai quốc gia”.

Điều đó cho thấy mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế trên các nền tảng trực tuyến bởi khả năng kết nối mạnh mẽ và nhiều tiềm năng đột phá khác. Trong các nền tảng kinh doanh online như sàn thương mại điện tử thì kinh doanh thông qua mạng xã hội được đánh giá là dễ triển khai nhất với mọi doanh nghiệp. Theo Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022, các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội (mua bán trong cộng đồng) như Facebook, Zalo, Instagram, Tik Tok… tiếp tục bùng nổ. Trong giai đoạn dịch năm 2021, có tới 57% doanh nghiệp cho biết có sử dụng hình thức kinh doanh này.

Còn trong Báo cáo về tình hình doanh nghiệp nhỏ năm 2022 do Meta thực hiện vào tháng 1/2022 thông qua khảo sát gần 24.000 chủ DN vừa và nhỏ trên toàn cầu, cho thấy gần một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Á - Thái Bình Dương đang vận hành trên Facebook cho biết ít nhất 25% doanh thu đến từ nền tảng kỹ thuật số. Báo cáo còn ghi nhận các công cụ kỹ thuật số trở nên quan trọng hơn đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ thích ứng và vượt qua những thách thức hiện tại. Nhiều doanh nghiệp gặt hái được thành công trên nền tảng trực tuyến. Từ đó, báo cáo kết luận vận hành hỗn hợp (kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên nhiều nền tảng số) sẽ là xu thế làm việc trong tương lai.

Có thể thấy, với những xu hướng kinh doanh và làm việc trực tuyến có thể nở rộ trong nhiều năm tới đây, đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính các nền tảng cần có những công cụ hiệu quả để kiểm soát hành vi ứng xử cộng đồng, bảo đảm sự công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp cùng tham gia “sân chơi” chung. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp cũng phải tự điều chỉnh các hành vi và xây dựng văn hoá ứng xử trực tuyến để có thể bảo toàn được lòng tin với khách hàng. Rõ ràng, uy tín tốt sẽ đem lại nhiều cơ hội tốt dù trong bối cảnh khó khăn.

Đọc thêm