Trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Bộ GTVT đề xuất nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm.
Trao đổi với PLVN hôm 25/9, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị này được Bộ GTVT chỉ đạo trực tiếp nghiên cứu, soạn thảo Dự thảo trên. “Trực tiếp Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay của Cục nghiên cứu về nội dung này”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết. Vị này cho rằng, trước khi đưa ra Dự thảo để lấy ý kiến, Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Do đó, nội dung đề xuất tăng tuổi thọ cho tàu bay phù hợp với quy định của ICAO.
Theo Bộ GTVT, thống kê của Boeing cho thấy, độ tuổi trung bình của tàu bay vận chuyển hành khách là 28 năm với tàu bay thân hẹp, 25 năm với tàu bay thân rộng. Còn độ tuổi trung bình của tàu bay vận chuyển hàng hóa là 38 năm với loại thân hẹp và 31 năm với tàu bay thân rộng.
Về nguyên nhân nâng độ tuổi tàu bay, theo Bộ GTVT, các hãng hàng không Việt Nam gặp khó khăn trong việc phát triển đội tàu bay hàng hóa vì không đáp ứng được nội dung của Nghị định 92/2016/NĐ-CP. Ngoài ra, việc nâng tuổi tàu bay cũng khiến các doanh nghiệp kinh doanh hàng không được hưởng lợi vì sẽ dễ dàng thuê tàu bay nước ngoài trong các dịp cao điểm lễ, tết.
Trước đề xuất này của Bộ GTVT, dư luận và nhiều chuyên gia hàng không đang có những ý kiến trái chiều; một luồng ý kiến ủng hộ việc tăng tuổi hoạt động của các tàu bay, ý kiến khác bày tỏ sự băn khoăn liên quan đến an toàn. Trao đổi với PLVN, một chuyên gia hàng không cho rằng, việc tăng tuổi thọ cho các loại tàu bay liên quan đến trình độ kỹ thuật. Trước đây, kỹ thuật còn hạn chế thì tuổi đời hoạt động của tàu bay ngắn, nay nếu kỹ thuật đáp ứng được thì nên tăng tuổi khai thác, vừa mang lại giá trị cho các hãng bay vừa tránh lãng phí.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc nâng tuổi bay cần hết sức thận trọng vì liên quan đến yếu tố an toàn bay. Do đó, Bộ GTVT cần tham khảo ý kiến của nhà sản xuất, của ICAO và các chuyên gia kỹ thuật hàng không. Cũng theo vị này, tuổi của máy bay được xác định thông qua tần suất cất cánh, hạ cánh vì điều này ảnh hưởng đến các bộ phận quan trọng như động cơ, cánh, thân…
Liên quan đến dự thảo tăng tuổi thọ cho tàu bay, một chuyên gia khác cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hãng bay không nên đưa ra quyết định việc tăng tuổi thọ đối với máy bay mà nhà sản xuất mới là đơn vị được quyền đưa ra quyết định này. Theo ý kiến này, nhà sản xuất là đơn vị thiết kế, lắp ráp, am hiểu kỹ thuật và biết được sức khỏe “đứa con” của mình. “Trước khi bán cho các hãng bay, đơn vị sản xuất phải thử nghiệm bay, biết được các thông số kỹ thuật, mức độ an toàn, từ đó biết được tuổi thọ bay là bao nhiêu”, vị này nói.
Được biết, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các thành viên Chính phủ xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 92. Sau đó, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp các ý kiến, báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.