Doanh nghiệp hàng không: Nơi “thắt lưng, buộc bụng”, nơi lãi ngàn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bức tranh doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng không Việt Nam có những gam màu khác nhau, có DN thì “rủng rỉnh” tiền, có DN vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” vì khó khăn.
Tình hình kinh doanh nhiều DN vận tải Hàng không khởi sắc. (Ảnh: Cục hàng không Việt Nam).
Tình hình kinh doanh nhiều DN vận tải Hàng không khởi sắc. (Ảnh: Cục hàng không Việt Nam).

Hành khách tăng, doanh thu tăng

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, cuối năm nay, thị trường hàng không quốc tế tại Việt Nam sẽ phục hồi lại về mức năm 2019, tức thời điểm trước khi diễn ra dịch COVID-19. Còn với thị trường trong nước, hàng không được đánh giá đã hoàn toàn phục hồi trở lại.

Dù các đánh giá về thị trường hàng không là khả quan, tuy nhiên, thực tế “sức khỏe” của nhiều DN hàng không vẫn ở mức yếu, nhất là DN vận tải hàng không. Doanh thu, dòng tiền của nhiều DN vận tải hàng không đã tốt hơn, nhưng thực tế lợi nhuận vẫn rất thấp, thậm chí vẫn có DN lỗ.

Đại diện Vietjet cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị này khai thác được 65.900 chuyến bay, vận chuyển trên 12,1 triệu lượt hành khách, trong đó, 3,5 triệu khách quốc tế, tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng sản lượng hàng hóa Vietjet vận chuyển đạt 33.000 tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ.

Từ sự tăng trưởng ấn tượng đó, cả doanh thu và lợi nhuận của Vietjet đều tăng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, Vietjet thu về khoảng 29.770 tỷ đồng, tăng 87%, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 387 tỷ đồng, tăng 167% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân tăng trưởng khả quan, Vietjet cho biết, nhờ đơn vị có chiến lược kinh doanh bền vững, trong đó tiên phong phát triển mảng bay quốc tế, liên tục đổi mới và tăng cường sản phẩm, dịch vụ phụ trợ có tỷ suất lợi nhuận cao.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines thì cho biết, đơn vị vừa ghi nhận doanh thu tăng trưởng và có quý lãi gộp thứ hai liên tiếp. Cụ thể, trong quý II/2023, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu 20.696 tỷ đồng, cao hơn 12,3% so với quý II/2022. Đây là quý thứ 7 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt gần 2.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hạch toán hết các khoản chi phí, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 1.331 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Đây được đánh giá là mức lỗ “sáng sủa” khi mức lỗ này chỉ bằng 1/4 so với 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đại diện Vietnam Airlines, trong 6 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã vận chuyển tổng cộng 11,8 triệu lượt khách nội địa cũng như quốc tế, tăng trưởng 28,2% so với nửa đầu năm 2022. Riêng Vietnam Airlines đã vận chuyển 9,94 triệu lượt khách, tăng trưởng 25% và chiếm 36% thị phần. Cả ba hãng vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng hóa trong nửa đầu năm, chiếm hơn 65% thị phần hàng không Việt Nam.

Ngành hàng không sẽ khởi sắc

“Sức khỏe” một DN vận tải hàng không khác nhận được nhiều quan tâm của dư luận thời gian qua là hãng bay Bamboo Airways. Trong bối cảnh nhân sự cấp cao của DN này liên tục thay đổi, khiến cấu trúc bên trong của hãng thiếu ổn định, đã khiến tình hình kinh doanh ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán bố cách đây không lâu, năm 2022, Bamboo Airways lỗ sau thuế 17.619 tỷ đồng, tăng vọt so với mức lỗ của năm 2021 là 2.281 tỷ đồng.

Sang năm nay, tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm của Bamboo Airways có nhiều tín hiệu tích cực hơn khi tổng doanh thu thuần 5 tháng đầu năm đạt bằng 51% tổng doanh thu năm 2022. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều thông tin tiêu cực lại xảy đến với Bamboo Airways. Đơn vị này phải đổi lịch trình bay với một số chuyến, thu hẹp đường bay và bán bớt một số tàu bay quan trọng. Những động thái này khiến nhiều khách hàng tiếc cho một hãng hàng không đang lên thì gặp biến cố.

Tuy nhiên, giải thích những điều chỉnh trên, Bamboo Airways cho biết, đó là một phần trong tiến trình tái cơ cấu tổng thể nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời với việc thu hẹp một số đường bay, đơn vị này mở thêm đường bay thẳng đến Lệ Giang (Vân Nam, Trung Quốc).

Đánh giá về thị trường hàng không, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam cho biết, nhờ những cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều DN hàng không đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Cùng với sự phát triển của ngành Du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung, ông Nề dự báo tình hình kinh doanh các DN hàng không sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.

Doanh nghiệp dịch vụ hàng không lãi to

Trong bối cảnh số chuyến bay và hành khách tăng mạnh, các DN dịch vụ hàng không đang được hưởng lợi. Đơn cử, 6 tháng đầu năm Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt doanh thu 9.657 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.241 tỷ đồng, lần lượt tăng 74% và 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tại thời điểm 30/6, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của ACV đạt 31.274 tỷ đồng.

Đọc thêm