Doanh nghiệp “kêu trời” chuyện cứ đi chục km lại gặp một chốt CSGT

(PLO) - Trong khi Bộ GTVT đã nỗ lực cắt giảm tới hơn 67% thủ tục hành chính để thúc đẩy vận tải thuỷ, thì trên một số tuyến vận tải phía Nam, thủ tục kiểm tra hành chính của lực lượng Công an còn khá phiền phức bởi đơn cử đoạn đường 175km mà có tới… 13 trạm CSGT thuỷ.
Doanh nghiệp vận tải thuỷ kiến nghị những tuyến luồng quá ngắn, thì không cần chốt CSGT cố định
Doanh nghiệp vận tải thuỷ kiến nghị những tuyến luồng quá ngắn, thì không cần chốt CSGT cố định

Gắn định vị để giám sát tiêu cực 

Thấy vận tải thuỷ đang còn nhiều dự địa phát triển, ngành Giao thông đã và đang tập trung dồn lực để phát huy tiềm năng, đồng thời qua đó giảm áp lực cho vận tải đường bộ vốn đang ngày một quá tải nghiêm trọng. 

Thống kê từ Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, khu vực ĐBSCL sản lượng vận tải container hàng năm đạt con số 120.000 TEU, chủ yếu qua tuyến sông Tiền, sông Hậu. Do vậy, thời gian gần đây hệ thống các cảng ở Đồng Tháp, Cần Thơ… cũng đã được đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ vận tải đường thuỷ nội địa.

“Ngoài việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ ngày một cao nhằm giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính, chúng tôi còn cho định vị tàu thuyền của Cảng vụ, Chi cục quản lý đường thuỷ nội địa để biết lực lượng phía dưới của mình đang ở đâu, làm gì, làm có đúng chức năng nhiệm vụ, có cản trở tàu thuyền, chủ phương tiện hay không”, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam nói.

Với vai trò đầu mối quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nêu trên, ông Giang nói Cục này đã nhận được không ít ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp với nhiều than phiền khi trên hành trình vận tải của một con tàu, phương tiện thuỷ, chủ phương tiện phải “chào” quá nhiều lực lượng chức năng khiến chủ phương tiện và chủ hàng thấy phiền toái, thậm chí thiệt hại kinh tế nếu vì bị “ách” lại quá lâu để kiểm tra dẫn đến chậm giao, nhận hàng, bị phạt hợp đồng; chưa kể những khoản tiêu cực phí, “tiền đường” phải chi.

“Nhiều đơn vị vận tải nói rằng từ ông CSGT thuỷ, Biên phòng, hay mấy ông Cảng vụ đường thuỷ, Chi cục đường thuỷ cho tới Thanh tra giao thông - “ông” nào cũng có thể lên tàu để kiểm tra. Họ còn dẫn chứng tuyến vận tải từ Hà Nam đi Hòn Nét dài chỉ chứng 250km mà có tới 18 - 20 trạm kiểm soát của các lực lượng chức năng”, lời Cục trưởng Giang.

Cục Đường thuỷ nội địa Viêt Nam chủ trương hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng chức năng với chủ phương tiện để giảm chế tiêu cực
Cục Đường thuỷ nội địa Viêt Nam chủ trương hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng chức năng với chủ phương tiện để giảm chế tiêu cực

Doanh nghiệp kiến nghị bớt trạm

Xung quang vấn đề nói trên, ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch Hội Vận tải thuỷ nội địa Việt Nam cho biết thêm, trên tuyến vận tải từ Doi Lửa (Đồng Tháp) - Tiền Giang - Long An - TP.HCM dài chỉ 175km, nhưng có tới… 13 trạm kiểm tra của CSGT? 

“Chưa kể trên một khúc sông, tàu chỉ chạy 1 tuyến và 1 bên phía Tiền Giang, nhưng vẫn bị bên Vĩnh Long, Bến Tre mang tàu sang chặn để kiểm tra”, ông Liêm phản ánh.

Trả lời PLVN về giải pháp hạn chế việc lạm dụng kiểm tra phương tiện để sách nhiễu và tiêu cực…, Cục trưởng Đường thuỷ nội địa Việt Nam nói: “Chúng tôi đặc biệt chú ý tới công tác xây dựng lực lượng. Chẳng hạn cho áp dụng phần mềm nhắn tin làm thủ tục vào, ra cảng bến dành cho các chủ phương tiện để họ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, tranh tiêu cực giữa anh, em quản lý bên dưới với các chủ tàu, phương tiện”.

Vẫn vấn đề trên, người đứng đầu Hội Vận tải thuỷ nội địa Việt Nam còn đề xuất cắt giảm các trạm kiểm soát trên sông, với quy định trên một tuyến, tối thiểu khoảng 50km mới được đặt trạm cố định kiểm tra; những tỉnh, thành có luồng đường quá ngắn thì chỉ cần tổ kiểm tra lưu động, không đặt trạm cố định.

“Đối với Cảng vụ cần cấp giấy ngay khi tàu làm hàng xong trong thời gian 24/24h và không kiểm tra nhiều lần gây mất thời gian và phát sinh tiêu cực phí khi làm việc”, ông Trần Đỗ Liêm kiến nghị với Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam, đồng thời đề nghị lực lương CSGT đường thuỷ chỉ nên kiểm tra đối với những tàu có dấu hiệu vi phạm, không phải tàu nào chạy qua chốt cũng xuống kiểm tra...

Những vướng mắc này cần sớm xem xét, tháo gỡ kết hợp với nỗ lực đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính cách đây ít hôm của Bộ GTVT thì mới mong thúc đẩy lĩnh vực vận tải thuỷ nội địa phát huy hết tiềm năng, nếu không thì dù Bộ GTVT có đơn giản, cắt giảm 67% hay nhiều hơn các điều kiện, thủ tục kinh doanh thì vận tải thuỷ cũng khó mà phát triển như mong muốn.  

"Mạnh tay" cải cách thủ tục hành chính

Như PLVN đã thông tin, ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định 767 công bố phương án cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT. Theo đó, có tới 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực GTVT được đơn giản, cắt giảm, tương đương 67,36%. 

Cụ thể, lĩnh vực hàng không dẫn đầu với số danh mục cắt giảm, đơn giản lên tới 74,36%, tiếp đến là đường sắt với 73,08%. Đường bộ đứng thứ 3 với số điều kiện cắt giảm, đơn giản tương đương 68,5%. Đường thuỷ là 67,34%, hàng hải 65,08%, lĩnh vực đăng kiểm cơ giới đường bộ 61,43%; kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm 61,74%

Đọc thêm