Doanh nghiệp khó khăn do Covid-19: Đề xuất nào cho gói hỗ trợ tiếp theo?

(PLVN) - Khảo sát do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thực hiện mới đây cho thấy có đến 80% doanh nghiệp (DN) được khảo sát không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ. DN mong đợi gì ở gói hỗ trợ mới?
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ Covid-19 đợt 1. (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ Covid-19 đợt 1. (Ảnh minh họa)

Vấn đề trên được các chuyên gia bàn thảo tại Hội thảo khoa học “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế TW, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp cùng tổ chức sáng qua, 15/10.

Nhiều DN chưa nhận được hỗ trợ

Cuộc khảo sát được tiến hành từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10/2020 tại 3 địa phương là Hà Nội, Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh (mỗi địa phương 150 DN) với 75% DN quy mô nhỏ (dưới 10 lao động). Kết quả cho thấy khoảng 80% DN được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. “Kết quả này không tương xứng bởi DN nhỏ là đối tượng bị tổn thương nhiều rất cần được hỗ trợ!”- PGS-TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng NEU nhận định. 

Theo ông, lý do chủ yếu dẫn đến việc các DN không nhận được hỗ trợ là hướng dẫn không rõ ràng, thông tin không minh bạch, rất nhiều thủ tục, thậm chí DN phải chứng minh tài chính để được hỗ trợ..

Theo kết quả khảo sát, trong số DN được nhận hỗ trợ thì gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế DN nhận được nhiều nhất (69,2%), tiếp đến là gói gia hạn tiền thuê đất và không thực hiện điều chỉnh tăng giá các yếu tố đầu vào của sản xuất (điện, nước, xăng…) (17,9%). Đáng chú ý có 2 gói hỗ trợ vẫn chưa có DN nào được nhận là gói vay không cần thế chấp, bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động và gói đơn giản hóa thủ tục hành chính gia hạn nộp thuế cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

“Chính phủ đã có những giải pháp chính sách rất kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm giải cứu một số khu vực kinh tế và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, hiệu quả các gói hỗ trợ này không như kỳ vọng”- PGS-TS. Bùi Đức Thọ nhận xét.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi hiệu quả của gói 1 thấp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt với sự lắng nghe DN và đã xây dựng các kịch bản khác nhau để có phương án xử lý thích hợp nhất.

Làm gì để hỗ trợ lần 2 tốt hơn?

Theo PGS-TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU, diễn diễn phức tạp trở lại của đại dịch trên nhiều địa phương trong cả nước đã tác động toàn diện và nặng nề đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn để tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế, đồng thời chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài; từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Khảo sát của NEU cũng cho thấy, các DN mong muốn được kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian hoàn các khoản được giãn, hoãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Đặc biệt, DN mong muốn các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách; Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Là người tham gia xây dựng các gói hỗ trợ ngay từ đầu, TS. Võ Trí Thành khẳng định, có 2 vấn đề là xây dựng chính sách và thực thi chính sách. Theo ông, gói hỗ trợ 1 được ban hành rất đúng, trúng và kịp thời nhưng đáng tiếc việc triển khai không theo tinh thần thời chiến, tức là phải quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt. “Chúng ta có Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 nhưng không có Ban chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế…”- Chuyên gia này nhận xét. Ông dẫn chứng, ngay như việc giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng còn phải chờ Quốc hội biểu quyết.

Chuyên gia này cũng bày tỏ sự đáng tiếc là gói hỗ trợ lần 2 lẽ ra cần đưa ra trong tháng 9 nhưng đến nay chưa xong. Theo ông, kỳ vọng về gói hỗ trợ lần 2 đang rất lớn. “Gói hỗ trợ lần này cần có một số nguyên tắc. Một là, phải đủ lớn (Rất may chúng ta có tiền và chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách); Hai là, diện phải rộng như gói 1, tức là có tính đến người lao động, có DN và có xã hội; Ba là, phải có trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những DN có tính lan tỏa. Ví dụ, có hỗ trợ ngành hàng không như các nước không?; Bốn là, thời gian, ít nhất phải thực hiện cả trong năm 2021; Năm là, gói này không chỉ giúp DN vượt khó như gói 1, mà là hỗ trợ để DN phục hồi và tái cấu trúc…!”- TS Võ Trí Thành phân tích.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý, việc quan trọng nhất hiện nay vẫn là chống dịch, tiếp theo là nỗ lực của DN và cuối cùng mới đến gói hỗ trợ. “Chúng ta còn nguồn lực để hỗ trợ, nhưng gói hỗ trợ lần 2 này không nên “tất tay” một lần vì phía trước còn nhiều bất định!”- TS Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm. 

Đọc thêm