Doanh nghiệp kiến nghị xóa bỏ những rào cản phát triển kinh tế số

(PLO) - Ngày 31/7/2017, Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 sẽ được tổ chức với dự kiến đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ về 3 vấn đề, bao gồm nông nghiệp, kinh tế số và du lịch. Trong đó, lĩnh vực kinh tế số đang được kỳ vọng khá lớn với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) dù vẫn còn rất nhiều rào cản… 
Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân
Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân

Có dự án hạn chế sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân… 

Ở Việt Nam, năm 2016, E-commerce (thương mại điện tử) đạt 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015 và dự đoán đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD. Thị trường quảng cáo trực tuyến cũng được dự đoán sẽ tăng mạnh, đạt trên 950 triệu USD (trong khi đó năm 2016 đạt 390 triệu USD). Ngoài ra, xu thế số hóa sẽ xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán, vận chuyển, giáo dục…

Số liệu những năm gần đây cho thấy, với 1,7% dân số Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế số đã tạo ra 5% thu nhập quốc dân. Mức thu nhập bình quân, mức GTGT trên mỗi lao động kinh tế số lớn gấp 3 lần trung bình của cả nước. Do đó, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam(VPSF) khẳng định, đã đến lúc Việt Nam cần phải quan tâm đến lĩnh vực kinh tế số.

Theo ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Phó trưởng nhóm công tác kinh tế số (VPSF), mặc dù thời gian qua các Nghị quyết của Đảng nói rất mạnh về kinh tế tư nhân, nhưng trong thực tế đối với ngành kinh tế số đã có sự phân biệt thành phần. Cụ thể, có một số dự án hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân hoặc nhiều DN nhà nước được trợ giá, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. 

Đây cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn công nghệ CMC, Trưởng nhóm công tác kinh tế số (VPSF) đề cập đến khi cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án ICT trong lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước.

Ngoài ra, ông Chính cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay của nền kinh tế số là chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho các DN mới theo các mô hình kinh doanh mới, chưa thuận lợi cho các DN kinh tế số tham gia.

Về nguồn lực cho phát triển kinh tế số, lãnh đạo các công ty công nghệ đều cho rằng, cần tăng chỉ tiêu đào tạo sinh viên ICT và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN  số được phát triển tại Việt Nam. Bởi theo báo cáo của Vietnamworks, nhu cầu nhân sự trong ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Theo dự báo, đến hết năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực; và đến năm 2020, con số này sẽ lớn hơn nhiều, dự kiến sẽ thiếu khoảng 500.000 nhân lực làm việc trong ngành CNTT. 

Ngoài ra, đại diện các DN đều kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách thuế ưu đãi với ngành phần mềm, với các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm mà DN phần mềm triển khai hoạt động tại đó. Đồng thời, kiến nghị cho phép các DN tham gia vào lĩnh vực công trong một số lĩnh vực theo hình thức hợp tác công tư, giao cho DN tư nhân một số dự án liên quan đến các vấn đề nóng của thành phố như hệ thống thoát nước mưa, nước thải… 

Kiến nghị bỏ thu phí viễn thông công ích

Vấn đề liên quan đến tận thu phí cũng được các DN đề cập đến và mong muốn được đối thoại với Chính phủ. Cụ thể, ông Bùi Quang Ngọc chỉ rõ, đã đến lúc đề nghị Bộ Công Thương cần nghiên cứu về việc phân tách các ngành nghề kinh tế và không được phép trợ giá chéo và phải bỏ phí viễn thông công ích.

Thực tế hiện nay, DN viễn thông đang phải đóng phí thương quyền vào ngân sách 0,5% trên tổng doanh thu. Nhưng ngoài ra vẫn phải đóng phí viễn thông công ích là 1,5% doanh thu vào quỹ do Bộ TT&TT quản lý và sử dụng. Quỹ này không nằm trong  ngân sách nhà nước (NSNN). “Như vậy đã tạo ra cho DN viễn thông phải chịu “một cổ hai tròng” với tổng phí 2% doanh thu là mức quá lớn”, ông Ngọc bày tỏ. 

Đối với lĩnh vực công ích, ông Ngọc cho rằng, các DN sau khi đóng đầy đủ các loại thuế và phí theo quy định, thì phí công ích phải là sự tự nguyện. Ông Ngọc còn cho biết thêm, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang thành lập các đoàn thanh tra xuống các công ty viễn thông để thanh tra vì sao các DN nộp phí công ích ít và chậm. 

Ông Ngọc đề xuất, nên bỏ phí viễn thông công ích, vì công ích nhà nước nên làm từ NSNN hoặc các quỹ từ thiện xã hội, không nên bắt các DN tham gia. Bởi Internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, là cuộc sống kinh tế - xã hội, văn hóa ngày nay, đáng lẽ DN phải được hỗ trợ, được khuyến khích thì lại bị “đè” ra để nộp thuế 2% nên đề nghị Bộ Tài chính cần lưu ý vấn đề này. 

Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Trung Chính đồng tình khi cho rằng, việc phải đóng phí 2% trên tổng doanh thu vào quỹ do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý là vấn đề rất lớn đối với DN nhỏ, đặc biệt là những DN mới thành lập. “Một DN chưa có lãi đã phải nộp khoản phí này sẽ dẫn đến triệt tiêu năng lực cạnh tranh, thậm chí “giết chết” họ”, ông Chính nhấn mạnh. 

Ngoài các vấn đề nêu trên, đại diện các DN cũng kiến nghị cần phải thay thế Nghị định 102 (ban hành ngày 10/6/2009 quy định về sử dụng và triển khai các dự án CNTT dùng NSNN bằng một Nghị định mới phải được xây dựng theo đặc thù của ngành CNTT. 

Đọc thêm