Doanh nghiệp làm cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kiến nghị nhiều vấn đề bất ổn còn tồn đọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả đề nghị cơ quan chức năng bố trí cuộc họp với nhà đầu tư, Ngân hàng Vietinbank để các bên đánh giá, giải quyết các tồn tại, vướng mắc với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tránh việc ảnh hưởng thực hiện kết nối dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, khiến nhà đầu tư lo ảnh hưởng thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, khiến nhà đầu tư lo ảnh hưởng thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) - nhà đầu tư sở hữu 65,58% vốn điều lệ của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án) vừa có văn bản số 436/2021/HHV gửi các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn và ngân hàng Vietinbank liên quan đến việc đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo Công ty Đèo Cả, sau hai năm đưa dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (dự án thành phần 1) vào vận hành, việc triển khai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (dự án thành phần 2) vẫn bị đình trệ, kéo dài nên toàn tuyến cao tốc chưa được khai thông, các phương tiện theo hướng từ Quốc lộ 1A vào cao tốc và ngược lại đang khai thác tạm thời trên các tuyến nhánh của nút giao tại Km45 nên rất bất tiện.

Bên cạnh đó, trên tuyến Quốc lộ 1A đã giảm một trạm thu phí (Km24+800) so với phương án tài chính ban đầu nên nguồn thu của dự án bị thiếu hụt trong suốt vòng đời của Dự án.

“Các vấn đề nêu trên đã làm giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc, ảnh hưởng đến doanh thu, không đảm bảo phương án tài chính cho chủ đầu tư”, Công ty Đèo Cả cho biết.

Ngoài ra, trong văn bản kiến nghị phía Công ty Đèo Cả cũng nêu ý kiến, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị miễn giảm cho hơn 6.000 phương tiện của các doanh nghiệp và cá nhân địa phương xung quanh trạm thu phí. Trong đó, có nhiều đối tượng lợi dụng chính sách miễn giảm để trục lợi chưa được kiểm soát và xử lý; không triển khai kịp thời trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu trên tuyến cao tốc để đồng bộ các công trình nhằm cung cấp dịch vụ, thu hút dòng xe vào cao tốc...

Các thay đổi này cùng với việc đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài đến nay làm cho nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn và các nhà thầu đối diện nhiều rủi ro.

Theo Công ty Đèo Cả, quá trình triển khai thực hiện dự án thành phần 2 gặp rất nhiều khó khăn. Để tăng tính khả thi cho dự án, doanh nghiệp dự án và Công ty Đèo Cả đã làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trung ương và địa phương để từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Kết quả đạt được là đã ghi vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án là 2.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 10/3, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn lại có báo cáo tham mưu cho tỉnh trong đó đề nghị phương án tách phần nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để cho nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT và chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đó, dẫn đến thời gian thu phí lên đến gần 40 năm.

Công ty Đèo Cả cho rằng đề xuất này là không phù hợp với các quy định của Luật PPP và chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công - tư của Đảng và Nhà nước.

Do đó, Công ty Đèo Cả đề nghị cơ quan chức năng bố trí cuộc họp với nhà đầu tư, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) để các bên đánh giá, giải quyết các tồn tại, vướng mắc với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tránh việc ảnh hưởng thực hiện kết nối dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Thời gian thực hiện trong tháng 10 này.

Nhà đầu tư này cũng đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét việc Ban Quản lý dự án tư xây dựng Lạng Sơn đưa ra đề xuất đối với phương án tách phần nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT và chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đó, dẫn đến thời gian thu phí của nhà đầu tư tại dự án lên đến gần 40 năm.

Địa phương nên công bố lý do dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng bị chậm trễ, thời gian và các biện pháp triển khai hoàn thành dự án cho người dân được biết để theo dõi giám sát công khai và tổ chức đấu thầu công khai minh bạch sau khi dự án được phê duyệt”, Công ty Đèo Cả cũng kiến nghị thêm.

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016. Dự án được quy hoạch nhằm nối thông với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang - Chi Lăng) để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Trung.

Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, quy mô 4 làn xe được đầu tư bằng vốn vay ODA, với tổng vốn dự kiến ban đầu 8.743 tỷ đồng. Sau đó, để giảm áp lực nợ công, Chính phủ quyết định chuyển hình thức đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công (vốn ngân sách nhà nước) sang có vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ với giá rị khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tại dự án thành phần 2, Đèo Cả liên danh với các nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Licogi 16 (LCG) và Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh, góp vốn vào doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị để triển khai thực hiện”.

Đọc thêm