Doanh nghiệp lắp ráp ô tô 'hụt hơi' vì khe hở pháp luật từ Bộ GTVT

(PLVN) - Doanh nghiệp nhập khẩu không mất nhiều chi phí đầu tư nhưng vẫn có thể kiếm được lợi nhuận cao trong khi doanh nghiệp lắp ráp thì đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí là phá sản. Cuộc chơi không công bằng này do luật pháp còn nhiều khe hở mà hậu quả là ngành công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ khó có thể cất cánh.
Doanh nghiệp lắp ráp ô tô 'hụt hơi' vì khe hở pháp luật từ Bộ GTVT

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trước đó, Hiệp hộp doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh việc còn có các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thực hiện chưa nghiêm NĐ 116 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Theo đó, VAMI chỉ rõ tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng bộ hồ sơ nhập khẩu một đằng nhưng đăng kiểm lại được thực hiện một nẻo.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu đã sử dụng bộ hồ sơ nhập khẩu ô tô tải từ Trung Quốc, trong đó có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (Công cáo) thể hiện các loại xe nhập khẩu có động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Thực tế hiện nay tại Trung Quốc đã không còn sản xuất động cơ tiêu chuẩn khí thải Euro 4 nên hầu hết công cáo của xe nhập khẩu đều thể hiện động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5.

Tuy nhiên, hầu hết các mẫu động cơ của các lô hàng nhập khẩu này khi được thử nghiệm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam thì chỉ xác định là đã đạt tiêu chuẩn khi thải mức độ 4 (tương đương Euro 4), không phải là tiêu chuẩn khí thải Euro 5 như Công báo của nhà sản xuất thể hiện.

Theo VAMI, việc doanh nghiệp nhập khẩu ô tô với hồ sơ thể hiện là động cơ đạt tiêu chuẩn Euro 5 nhưng Cục Đăng kiểm lại cấp chứng nhận đã đạt tiêu chuẩn Euro 4 là không công bằng, như vậy là có dấu hiệu gian lận thương mại và cạnh tranh thiếu lành mạnh đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô vốn đầu tư Việt Nam.

Cụ thể, động cơ tiêu chuẩn khí thải Euro 5 có đặc tính kỹ thuật khác hẳn so với xe Euro 4 và giá thành cũng đắt hơn khoảng 3000 USD. Do vậy, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu xe hồ sơ nhập khẩu là Euro 5 nhưng chỉ đạt được tiêu chuẩn Euro 4 thì  có thể xuất hiện “gian lận thương mại”, móc túi người mua bằng việc treo “Euro 5, bán Euro 4”.

Điều đáng nói là, việc cho phép nhập khẩu với bộ hồ sơ như trên là quá dễ dãi với doanh nghiệp nhập khẩu, đồng thời gián tiếp bóp chết các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước và các doanh nghiệp phụ trợ. Từ đó, phía VAMI đề nghị các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp phải thực hiện nghiêm túc đúng theo NĐ 116 mà Chính phủ đã ban hành.

Xe tải Trung Quốc được nhập khẩu và bán tràn lan tại Việt Nam
Xe tải Trung Quốc được nhập khẩu và bán tràn lan tại Việt Nam

Cụ thể là doanh nghiệp nhập khẩu ô tô động cơ Euro 4 thì hồ sơ nhập khẩu, Công cáo phải là xe Euro 4 và phải được kiểm tra thử nghiệm khí thải tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn Euro 4; doanh nghiệp nhập khẩu xe Euro 5, Euro 6 thì trong Công cáo phải là xe Euro 5,6 và phải được kiểm tra thử nghiệm khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 5,6 mới công bằng cho sản xuất, nhập khẩu và ngăn chặn việc móc túi người tiêu dùng.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP phải thử nghiệm khí thải 01 xe mẫu thuộc mỗi kiểu loại của từng lô hàng nhập khẩu. Thực tế có 1 số trường hợp trong hồ sơ đăng ký kiểm tra người nhập khẩu cung cấp tài liệu khí thải của nước ngoài có tiêu chuẩn khí thải là Euro 5, Euro 6.

Tuy nhiên, việc thử nghiệm khí thải được thực hiện theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 86: 2015/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 4 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới”. Nếu kết quả thử nghiệm khí thải xe mẫu đạt yêu cầu thì lô hàng mới được nhập khẩu. Nếu kết quả thử nghiệm xe mẫu không đạt yêu cầu thì lô hàng không được phép nhập khẩu. Với câu trả lời này của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì chỉ cần đạt đến tiêu chuẩn khí thải mức độ 4 là xe có thể nhập khẩu vào Việt Nam.

Việc Cục Đăng kiểm thừa nhận một thực tế là hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp là Euro 5 nhưng thực tế chi đạt hoặc đã đạt Euro 4 đã chỉ ra một khe hở rất lớn để các doanh nghiệp nhập khẩu “tự tung tự tác”. Vì hiển nhiên các loại ô tô nhập khẩu sẽ đáp ứng đủ điều kiện về tiêu chuẩn khí thải mức 4. Song, điều đáng nói là, hồ sơ xe nhập khẩu thể hiện tiêu chuẩn khí thải cao hơn nhưng kết quả kiểm định không đạt như hồ sơ thể hiện mà Cục Đăng kiểm lại không xử lý gì vấn đề này.

Theo một số doanh nghiệp lắp ráp trong nước, việc xử lý vấn đề nêu trên nếu không được thực hiện một cách công bằng thì nhiều nhóm lợi ích sẽ bị thiệt hại. Cụ thể là người tiêu dùng sẽ phải trả tiền mua xe động cơ có tiêu chuẩn khí thải Euro 5 nhưng thực tế chỉ đạt mức độ thấp hơn. Doanh nghiệp trong nước mất thị phần cho nhà sản xuất nước ngoài. Người được lợi duy nhất chỉ là doanh nghiệp thương mại.

Hiện nay nước ta đã lưu hành tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và thực tế Trung tâm thử nghiệm khí thải động cơ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện thử nghiệm các mẫu động cơ của doanh nghiệp lắp ráp trong nước và xác nhận đạt tiêu chuẩn Euro 5. Câu hỏi đặt ra là tại sao Cục Đăng kiểm Việt Nam không từ chối cấp chứng nhận cho các lô xe nhập khẩu có động cơ không đạt tiêu chuẩn khí thải như hồ sơ nhập khẩu đã thể hiện? Phải chăng, nếu xe nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn khí thải như chính hồ sơ nhập khẩu thể hiện thì số phận các lô hàng này sẽ phải tái xuất và gây bất lợi tài chính cho doanh nghiệp nhập khẩu và đây là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng hồ sơ Euro 5 nhưng vẫn được Cục Đăng kiểm chấp nhận Euro 4 như hiện nay?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm