Doanh nghiệp lữ hành lao đao vì du khách bỏ trốn

(PLO) - Tình trạng người Việt xin đi du lịch rồi trốn lại các nước phát triển đã diễn ra từ nhiều năm nay và con số này càng ngày càng nhiều, bất chấp sự kiểm soát từ khâu cấp visa cũng như chọn lọc khách từ các đơn vị du lịch lữ hành. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy.
Đài Loan đang siết chặt visa vì tình trạng du khách bỏ trốn.
Đài Loan đang siết chặt visa vì tình trạng du khách bỏ trốn.

Doanh nghiệp “chào thua”

Vừa rồi, một đơn vị lữ hành giá rẻ khá có tiếng tại TP HCM đã gặp phải rắc rối khi một khách du lịch bỏ trốn trong chuyến tham quan nước Anh. Theo nhiều khách đi chung đoàn, du khách nam nói trên từ đầu chuyến đi đã có những biểu hiện khá “lạ” như bồn chồn, không hề tập trung vào việc tham quan.

Sau khi du khách nói trên bỏ đi khỏi khách sạn và không trở về, cũng không thể liên lạc được, những người phụ trách đoàn đã kiểm tra thì thấy vali chỉ còn lại bộ quần áo cũ. Được biết, công ty lữ hành này cũng đã “dính” vài du khách bỏ trốn tại các chuyến du lịch trước đó như Hàn Quốc, Đài Loan và một số chuyến châu Âu.

Chuyện du khách Việt bỏ trốn khi đi du lịch các nước phát triển đã không còn lạ và hầu như hãng du lịch lữ hành nào cũng phải “dính” đến vài, ba vụ mỗi năm, cho dù chính sách của các hãng cũng “siết” khá chặt đầu vào. 

Đại diện một hãng lữ hành chuyên các tour đi nước ngoài có trụ sở tại quận 1, TP HCM chia sẻ, đối với du khách đi tour nước ngoài, đặc biệt là các nước Âu Mỹ hoặc các nước phát triển, công ty có sự thẩm định hồ sơ rất chặt chẽ, với tiêu chí hồ sơ phải “sạch”, có thể chứng minh được công việc ổn định, thu nhập phù hợp, có tài sản và tiền gửi ngân hàng…

Thế nhưng, dù hồ sơ đã được sàng lọc kĩ lưỡng, vẫn không thể tránh khỏi những du khách có “âm mưu” từ trước. Thậm chí, với trường hợp khách đi châu Âu, hồ sơ khách phải đảm bảo đã từng đi nhiều nước châu Á, nhiều nước phát triển, với trường hợp đi Mỹ, du khách phải từng đi các nước có mức độ phát triển tương tự như Úc, Canada… thế nhưng, vẫn bị “dính” trường hợp khách bỏ trốn.

Có khách tại TP HCM, hồ sơ rất đẹp, có đầy đủ điều kiện, cũng từng đi nhiều nơi như Singapore, Hồng Kong, Đài Loan…, có hai con nhỏ ở nhà, thế nhưng hai vợ chồng du lịch sang Hàn Quốc vẫn trốn ở lại. Có du khách khi khai hồ sơ đi du lịch châu Âu, ghi là không có người thân. Thế nhưng vừa sang vài ngày, người thân đến rồi chở… đi luôn, mọi kế hoạch đã được tính sẵn từ trước. 

Hiện nay, các đường dây cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu cần để làm visa rất nhiều: chỉ cần vài triệu cho một sổ tiền gửi ngân hàng giá trị trên 200 triệu đồng, một đến vài triệu đồng cho một hợp đồng lao động với mức lương lý tưởng ở một công ty có trên 3 năm hoạt động, thậm chí có tiền, người ta có thể “chạy” giấy đăng kí giấy kết hôn giả để qua mặt các hãng lữ hành... Với những mưu mô luồn lách và nhiều kịch bản khéo, các đơn vị lữ hành dù có siết chặt tới đâu vẫn không tránh khỏi bị “lọt lưới”.

Ảnh hưởng đến nhiều bên

Khỏi phải nói đến hệ lụy của các đơn vị lữ hành khi có du khách bỏ trốn khi đi du lịch. Có hãng lữ hành đã phải ngậm ngùi nộp phạt và bị cấm tổ chức du khách xuất ngoại sang một quốc gia đến nửa năm vì liên tục để du khách trốn. Và càng có du khách trốn khi đi du lịch nước ngoài nhiều thì các hãng lữ hành càng “mất điểm”, càng khó khăn hơn cho các chuyến đi về sau. 

Không chỉ thế, việc bỏ trốn của du khách còn ảnh hưởng đến chính sách cấp phép nhập cảnh đối với các du khách Việt thông thường đi nước ngoài. Có thể thấy, vì tình trạng du khách Việt trốn ở nhiều nước, hiện nay một số nước châu Âu đang siết chặt visa du lịch và chính sách gia hạn visa. Hàn Quốc, nơi có số lượng lao động Việt làm việc bất hợp pháp hàng đầu, hiện du khách cực kì khó xin visa, nhất là visa du lịch tự túc, tỉ lệ rớt lên đến trên 80%.

Đặc biệt, tại các tỉnh có tỉ lệ người Việt trốn lại Hàn Quốc cao như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình…, giờ đây tỉ lệ rớt visa du lịch Hàn lên đến trên 95%. Mới vừa rồi, để có thể “trục xuất” một số lượng lớn lên đến hàng chục ngàn lao động bất hợp pháp Việt Nam về nước, Hàn Quốc đã có thông báo rộng rãi kêu gọi họ tự nguyện đăng kí, trình diện để được “ân xá”.

Mới đây, một tin không vui khác cho những người mê dịch chuyển là Đài Loan cũng đang bắt đầu siết chặt chính sách cấp visa cho du khách Việt. Đài Loan đã đưa ra 5 điều kiện để hạn chế việc nhập cảnh, trong đó thời hạn cấp visa du lịch từ 30 ngày xuống chỉ còn 14 ngày. Và du khách thuộc về một số tỉnh Bắc Trung bộ từng có nhiều người Việt bỏ trốn cũng bị hạn chế cấp visa…

Hệ lụy từ việc du khách bỏ trốn là không nhỏ, nó khiến các hãng du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh, các du khách “chân chính” gặp khó, bị hạn chế cơ hội du lịch, khám phá. Chưa nói đến việc lao động nhập cư bất hợp pháp gây ra những hệ lụy như các tệ nạn, phạm tội… tại các nước. Cạnh đó, còn là hình ảnh con người Việt Nam bị “xấu xí” trong mắt các quốc gia khác. Thế nhưng, câu chuyện “bỏ trốn” này vẫn chưa có phương cách để giải quyết triệt để, mà hầu như chỉ trông chờ vào ý thức của người dân mà thôi.