Tổng công ty ĐSVN và 4 doanh nghiệp giao thông khác đã rời Bộ GTVT về Ủy ban Vốn theo tinh thần của Nghị định 131/2018/NĐ-CP về việc ra đời và đi vào hoạt động của Ủy ban này, hồi cuối cuối năm 2018.
Một năm sau ngày “chuyển nhà” mới, những khó khăn và tồn tại của ngành này vẫn chưa được tháo gỡ. Ngoài ra, việc chuyển cơ quan chủ quản, ĐSVN cũng mất quyền làm chủ đầu tư các dự án liên quan gói 7.000 đồng gia cố cầu, đường sắt trên tuyến Bắc - Nam theo tinh thần Nghị quyết 556/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù quá trình chuẩn bị dự án này trước đó đều do “một tay” ĐSVN thực hiện.
Được biết, theo chỉ đạo trước đó của Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN sẽ quản lý, điều hành 2 dự án liên quan đến tăng cường kết cấu đường, gia cố hầm, mở mới ga đoạn Vinh - Nha Trang. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP, Tổng công ty ĐSVN phải chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban này nên các phần việc liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trên của “Tổng” này được chuyển giao sang PMU85 (Bộ GTVT)…
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động dưới sự điều hành của Ủy ban Vốn, ngày 14/2/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 1128/VPCP-CN gửi Bộ GTVT và Ủy ban Vốn cho biết: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng công ty ĐSVN từ Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty”.
Văn bản do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục ký gửi mới đây còn cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Vốn đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất nói trên, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.
Ngoài Tổng công ty ĐSVN, các Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (với tổng vốn điều lệ hơn 49.000 tỷ đồng) cũng được chuyển giao về Ủy ban Vốn cùng một thời điểm.