Doanh nghiệp mong mỏi được “trợ lực” thực sự

(PLVN) - Các Hiệp hội ngành hàng đều cho rằng các gói hỗ trợ và chính sách để “trợ lực” cho doanh nghiệp đều đã được Chính phủ, các bộ, ngành thông báo cụ thể, rất kịp thời và thiết thực. Tuy nhiên, thực tế là doanh nghiệp không dễ tiếp cận  các gói hỗ trợ này.
Các gói hỗ trợ cần kịp thời để doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)
Các gói hỗ trợ cần kịp thời để doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Loay hoay tiếp cận các gói hỗ trợ

Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết, với các doanh nghiệp (DN) trong Vinatex, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng gần như không thể tiếp cận được. Bà Hạnh phân tích, ngành dệt may là ngành thâm dụng lao động, kỹ năng giản đơn, thu nhập trung bình thấp nên không có tích luỹ. Do đó, khi bị cho nghỉ chờ việc, dù được hỗ trợ 1,8 triệu VND/tháng từ Chính phủ thì người lao động (NLĐ) cũng sẽ phải tìm việc khác để duy trì đời sống.

Vì thế, nếu đã cho ngừng việc thì khả năng mất lao động là hiện hữu. Khi đó dù thị trường có sớm quay lại thì DN cũng không đủ người để sản xuất bù lại các tổn thất từ dịch bệnh. Đó chính là lý DN dệt may không chọn giải pháp cho ngừng việc hưởng hỗ trợ, mà chọn hướng đi giữ chân NLĐ và cũng là lý do DN dệt may không nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng dành cho NLĐ mất việc. 

Ngoài ra, theo Điều 13 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho NLĐ với điều kiện có từ 20% hoặc từ 30 NLĐ trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên.

Trong khi đó, các DN trong Vinatex xác định 2 tài sản lớn nhất cần bảo vệ bằng mọi biện pháp đó là NLĐ và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu (khách hàng). Do đó, cũng không đủ điều kiện để tiếp cận gói 62.000 tỷ đồng này. 

Ngoài ra, đại diện Vinatex còn cho rằng, hiện nay kể cả các gói giảm hay giãn thuế cũng chưa thực sự áp dụng được bởi với DN dệt may, mức độ giãn, giảm thuế ảnh hưởng không lớn vì phần lớn các DN dệt may làm xuất khẩu nên không có thuế VAT.

Bên cạnh đó, các DN đã tạm nộp hàng quý thuế thu nhập DN năm 2019, số còn lại chưa nộp chỉ là 1 quý, trong khi quý I/2020 không có lợi nhuận nên thực chất chiểu theo chính sách này thì DN dệt may cũng không được giảm. Tiền thuê đất tỷ trọng trong chi phí thấp nên cũng không tác động được đáng kể khi được gia hạn nộp.

Các phương pháp hỗ trợ cần nhanh, quyết liệt

Tương tự, ông Nguyễn Phước Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) cũng cho biết: “Nhiều DN đã làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng xin hỗ trợ, nhiều DN chưa tiếp cận hoặc chưa biết tiếp cận bằng cách nào, một số DN đang tiếp cận thì cho rằng khó khăn vì quá nhiều thủ tục liên quan…”.

Đối với gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, nhiều DN chưa đủ cho điều kiện được tiếp cận mặc dù hiện nay vẫn đang tìm mọi cách, dành mọi nguồn lực để duy trì công ăn việc làm cho NLĐ và chưa sử dụng đến giải pháp cắt giảm lao động chính thức…

Với gói hỗ trợ tín dụng, các DN phản ảnh bước đầu đã có ngân hàng đồng ý cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên chính sách ưu đãi chưa được triển khai áp dụng đồng bộ, nhất quán trong hệ thống ngân hàng...

Còn với gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Công ty TNHH 4P, Công ty Viettronics Tân Bình và một số DN khác cho biết đang tiến hành các thủ tục đề nghị được giãn chậm nộp thuế. Tuy nhiên, một số DN khác cho biết, có rất nhiều thủ tục rườm rà, không phù hợp với DN nên không tìm hiểu để tiếp cận những gói hỗ trợ này. 

Theo đại diện Công ty Viettronics Bình Hòa (VBH) hiện VBH đang vận dụng Nghị định 41/2020/NĐ-CP để làm văn bản “Đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất” gửi lên cơ quan thuế. Tuy nhiên, do Nghị định này vẫn còn chung chung (và chưa có Thông tư hướng dẫn thêm) nên DN này không hoàn toàn chắc chắn là mình có thuộc mục “b1) Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển” hay không. 

Mặt khác, theo lời Tổng Thư ký VEIA, nội dung khoản 3 Điều 4 Nghị định 41/2020/NĐ-CP có quy định: “Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất... Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp”, đã làm cho các DN, người dân cảm thấy vô cùng lo lắng, bất an. “Có thể nói là “làm khó” cho các DN, người dân:...”.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, nhiều DN ngành gỗ hiện vẫn đang trong tình trạng đợi ngân hàng xem xét hồ sơ để giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay.

Ông Hoài đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục, tài liệu chứng minh thiệt hại, giảm thu nhập… của các DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với các ngân hàng thương mại theo quy định của Thông tư 01.

Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cũng kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để DN có thể tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo kinh doanh, vực dậy nền kinh tế.

“Việc giữ nhóm nợ rất quan trọng với DN, nhất là giai đoạn này, vì thế các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của NHNN nhằm đảm bảo quyền lợi của DN. Áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ. Miễn đóng phí công đoàn thay vì hoãn đóng năm 2020, hoặc giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% và áp dụng cho tất cả các DN, không cần có điều kiện kèm theo” - đại diện VPPA đề nghị.

Theo kiến nghị của nhiều hiệp hội DN, đối với các DN thì quan trọng nhất là hoãn đóng BHXH, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này lên tới 34% của quỹ lương (Với DN dệt may, quỹ lương chiếm 60% chi phí…

“Để nhanh chóng đưa được các chính sách của Thủ tướng Chính phủ đến từng DN, người dân, Chính phủ cần thành lập “ban chỉ đạo” có đủ thẩm quyền quyết định và giải quyết vướng mắc cho DN kèm theo “đường dây nóng” để hỗ trợ, giải đáp các ý kiến hỏi đáp từ cộng đồng DN, người dân…” - đại diện VEIA đề xuất.

Kết quả khảo sát gần 130.000 DN do Bộ KH&ĐT thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhóm DN lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số DN) là nhóm có tỷ lệ DN chịu tác động nhiều nhất với tỷ lệ 92,8%; tiếp đến là nhóm DN vừa (91,1%) và nhỏ (89,7%); tỷ lệ này ở nhóm DN siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ DN) là thấp nhất với 82,1%.

Đọc thêm