Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng sợ... "lạc đường"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Là ngành được đánh giá có nỗ lực rất lớn trong chủ động tìm phương án chuyển đổi số, song nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn dè dặt vì không biết bắt đầu từ đâu và nên triển khai như thế nào?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ nhận thức đến triển khai

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến chuyển đổi số (CĐS) của doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều DN gặp khó trong việc tương tác lẫn nhau trong chuỗi cung ứng cũng như tương tác với khách hàng để thúc đẩy hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu, song bà rất ấn tượng với các DN ngành gỗ đã rất chủ động trong việc CĐS, nhờ chuyên gia cố vấn, giới thiệu chia sẻ sản phẩm với bạn hàng trên thế giới.

Đó là lý do để Ban IV phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) và Quỹ châu Á tại Việt Nam tiến hành khảo sát việc CĐS của DN ngành gỗ với kỳ vọng đây sẽ là một điển hình để nhân rộng đến cộng đồng DN.

Kết quả khảo sát cho thấy gần 58% người được hỏi xác nhận rằng DN họ có chiến lược số; gần 80% người được hỏi xác nhận rằng CĐS là cốt lõi trong việc triển khai kinh doanh chiến lược trong tương lai; gần 70% người được hỏi xác nhận nhóm lãnh đạo của họ có kỹ năng cần thiết để thực hiện CĐS; 48% người được hỏi xác nhận DN của họ có kế hoạch tối đa 2 năm khi xây dựng chiến lược số, trong khi đó, khoảng 46% người được hỏi xác nhận rằng DN của họ có kế hoạch từ 3-5 năm khi xây dựng chiến lược số.

Tăng năng suất và chuyển đổi công ty là lý do số 1 được DN đưa ra để bắt đầu quá trình CĐS; tiếp đến là tăng doanh thu, giảm chi phí và tìm kiếm thị trường mới.

Báo cáo cũng cho hay, khoảng 60% người được hỏi đồng ý rằng các hành động và ý tưởng CĐS được khởi xướng từ cả ban lãnh đạo và nhân viên. 58% người được hỏi đồng ý rằng họ có áp dụng truyền thông số và thương mại điện tử cho khách hàng và đối tác...

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn đang là thách thức. Khảo sát cũng chỉ ra, thiếu kiến thức, quá trình và con người được nhìn nhận là thách thức số 1 trong việc xây dựng và triển khai chiến lược số, bên cạnh đó là thách thức về ngân sách và quản lý.

“Mặc dù DN ngành gỗ được đánh giá là nhóm có sự nỗ lực rất lớn trong tìm phương án CĐS, vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh giãn cách xã hội cũng như tương tác với khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, việc này vẫn mang tính tự phát và mới nằm ở các DN có tính tích cực cao, chưa phải là sự lan tỏa đồng đều đến các DN ngành gỗ…”, bà Thủy nhận xét.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA đánh giá, đến nay CĐS ngành gỗ chưa thực sự tích cực, “có điều gì đó dè dặt trong các DN”, lời ông Phương.

So với các nước đang phát triển như Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Việt Nam vẫn đang ở phía sau khá nhiều. “Trong bản đồ xuất khẩu gỗ thế giới, ngành gỗ Việt có vị trí tương đối nhưng sự đóng góp của CĐS, công nghệ cao vào kết quả này chưa nhiều, chưa làm thay đổi cục diện của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam”, ông Phương nhận định.

Có mô hình chung?

Là một trong những DN tiên phong trong CĐS, ông Nguyễn Trọng Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho rằng, CĐS còn khá mới mẻ với nhiều DN, DN rất muốn biết DN của mình đang ở đâu và cần làm gì trước, làm gì sau để tránh “lạc đường”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhận thức không rõ ràng về khái niệm CĐS là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn tới thất bại của quá trình CĐS. Nhiều DN nghi ngại CĐS vì áp lực chi phí lớn, chưa biết bắt đầu từ đâu, đâu là giải pháp DN có thể bắt tay vào làm ngay, giải pháp tiên quyết trong trung và dài hạn là gì? Thái độ và sự không sẵn sàng thay đổi là những thách thức lớn cần vượt qua khi DN CĐS…

Một câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn là liệu có một mô hình nào cho DN CĐS? Nhiều ý kiến cho rằng, không có đáp án chung cho việc CĐS, bởi mỗi DN có đặc điểm khác nhau nên cũng có những giải pháp khác nhau để thực hiện CĐS.

Tình hình tài chính và chiến lược của DN cũng là yếu tố quyết định trong việc xác định mục tiêu cho chiến lược CĐS. Nhiều DN bắt đầu CĐS bằng cách rà soát các yếu tố tạo ra giá trị cho khách hàng, đồng thời phát triển các mô hình hoạt động để cung cấp giá trị…

“DN cần xác định mình đang ở đâu trong tiến trình CĐS để đưa ra quyết định hành động và đầu tư một cách chính xác nhất. Nhiều DN hỏi, nếu kinh phí ít thì làm được gì? Trên thực tế, có DN đầu tư nhỏ nhưng vẫn thu được hiệu quả, trong khi đó có những DN đầu tư lớn nhưng không thu được hiệu quả như kỳ vọng”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy chia sẻ.

4 thách thức trong chuyển đổi số của doanh nghiệp

Đại diện Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, Bộ này đã nghiên cứu khảo sát nhu cầu thực tiễn và thấy rằng hiện nay đang có 4 thách thức trong CĐS của DN: Thứ nhất, DN nhỏ và vừa có khoảng cách về năng lực triển khai CĐS (như xây dựng kế hoạch, lộ trình CĐS thế nào, cần làm thế nào, bắt đầu từ đâu...); Thứ hai là khoảng cách về thị trường thông tin về giải pháp CĐS cho DN (Hiện có nhiều giải pháp công nghệ đa dạng nhà cung cấp trong và ngoài nước, nhưng để DN xác định đâu là giải pháp phù hợp với mình thì không đơn giản); Thứ ba là khoảng cách về tài chính mở tín dụng, hoặc chi phí DN phải bỏ ra để CĐS (Các chi phí này bao gồm chi phí công nghệ, tổ chức lại nguồn nhân lực); Thứ tư là thể chế, chính sách, Việt Nam đang trong quá trình CĐS quốc gia, hoạt động của DN phải gắn với hạ tầng nền kinh tế số.

Đọc thêm