Doanh nghiệp muốn được cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Việc cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ giúp doanh nghiệp, ngành hàng chủ động ứng phó, không bị rơi vào các trường hợp bị trừng phạt thuế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẽ có hội nghị hàng quý với các thị trường nước

Quý I/2022, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam đạt kết quả tích cực. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, xuất khẩu (XK) tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột giữa Nga - Ukraine gây nên tác động kép cho doanh nghiệp (DN). Hàng loạt hệ luỵ đã xảy ra như đứt gãy các chuỗi cung ứng, cước vận chuyển hàng hoá XNK tăng phi mã, giá vàng liên tục phá đỉnh, các nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, các hiệu ứng domino diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lan tới cả những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế các nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, đặc biệt là XK đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước và tác động cùng chiều tới chỉ số tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, các ngành kinh tế và DN giảm thiểu khó khăn, chủ động xây dựng chiến lược và thực hiện các biện pháp phát triển kinh doanh quốc tế phù hợp trong những điều kiện thị trường mới, Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng quý Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với các thị trường ngoài nước.

Đó sẽ là diễn đàn, là cơ hội cho các hiệp hội ngành hàng trao đổi về khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động XTTM, XNK với các thị trường nước ngoài. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng các địa phương, hiệp hội và DN sẽ cùng tìm ra những biện pháp XTTM hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục XTTM Lê Hoàng Tài cũng thông tin, trong năm 2022, Cục XTTM đã và sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ XK sang các thị trường nước ngoài cho hàng hoá Việt Nam. Trong đó, Chương trình cấp quốc gia về XTTM dành 80,41% kinh phí cho hoạt động xúc tiến XK. Các hoạt động được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến chủ yếu tập trung vào việc tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở nước ngoài (25 đề án), tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế tại Việt Nam đối với sản phẩm XK (6 đề án), tổ chức đoàn giao dịch thương mại ở nước ngoài (13 đề án).

Cập nhật nguy cơ hàng hóa bị áp phòng vệ thương mại

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) - cho rằng, thông điệp mà Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài truyền tải đến nước bản địa là vô cùng quan trọng nên mong muốn, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài truyền tải thông điệp Việt Nam là trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới; Việt Nam kiên quyết phát triển ngành công nghiệp gỗ bền vững với nguồn nguyên liệu sạch, hợp pháp. Đại diện VIFORES cũng đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tại thị trường này để DN trong nước chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và đối phó hiệu quả với các biện pháp điều tra.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng mong muốn Bộ Công Thương nghiên cứu và đưa ra cảnh báo sớm về việc nước nhập khẩu ra các quyết định điều tra PVTM đối với các mặt hàng thép. Cung cấp thông tin để các DN XNK có thể vận dụng hàng rào phi thuế quan như tận dụng ưu đãi từ quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Đại diện Cục XTTM cũng cho biết, Cục mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa từ phía các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc cung cấp thông tin cập nhật về thị trường nước sở tại, các rào cản kỹ thuật, cảnh báo sớm nguy cơ bị áp đặt kiện chống bán phá giá để có thể tiến hành các phương án hỗ trợ DN XK.

Hiện định kỳ hàng quý, Cục PVTM vẫn đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng, các hiệp hội, DN và các bên liên quan khác định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra PVTM. Mới nhất, Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 11 nhóm sản phẩm XK nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM; trong đó, cả 11 sản phẩm này đều XK sang thị trường Hoa Kỳ.

Tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa XK của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra. Riêng trong năm 2021 có 8 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.

Mỹ sẽ công bố kết luận chính thức vụ mật ong Việt Nam bán phá giá

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM cho biết, dự kiến, hôm nay (8/4), Hoa Kỳ sẽ ra kết luận chính thức về vụ việc mật ong Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá. Hiện mật ong Việt Nam đang bị Hoa Kỳ kết luận sơ bộ bán phá giá trên 400%.

Được biết, ngay sau khi Hoa Kỳ ra kết luận sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã 2 lần gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ nêu rõ việc mật ong Việt Nam không phá giá. Trong các trao đổi các cấp khác nhau giữa hai bên, Bộ trưởng đã nêu rõ vấn đề này và đề nghị Hoa Kỳ đảm bảo nguyên tắc so sánh công bằng, tuân thủ đúng quy định của WTO khi thực hiện, tính toán biên độ bán phá giá đối với mật ong Việt Nam.

“Trên cơ sở kết luận cuối cùng của Hoa Kỳ, chúng ta sẽ xem xét các phương án để triển khai bước tiếp theo. Nếu như Hoa Kỳ tiếp tục có mức thuế cao đối với mật ong Việt Nam, chúng ta sẽ xem xét quá trình điều tra, kết luận của Hoa Kỳ có phù hợp với các quy định của WTO hay không để đề nghị Hoa Kỳ rà soát theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ và xem xét các quy định, các bước điều tra của Hoa Kỳ có phù hợp với WTO hay không, đưa ra WTO thảo luận” - ông Dũng nói.

Đọc thêm