Doanh nghiệp nêu vướng mắc trong thực thi Luật Sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) cho rằng, thực thi Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn rất nhiều vướng mắc, kéo dài. Điều này khiến cho doanh nghiệp rất mệt mỏi trong việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ cũng như lợi ích của chính mình.
TGĐ Busadco hiện đang là người giữ kỷ lục về quyền SHCN ở Việt Nam.
TGĐ Busadco hiện đang là người giữ kỷ lục về quyền SHCN ở Việt Nam.

Khó khăn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Là doanh nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam và cũng là đơn vị đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) và quản lý tài sản SHTT, hiện Busadco đã sở hữu 235 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (KDCN) đang còn hiệu lực và 101 đơn đã được chấp nhận đơn hợp lệ. Doanh thu đến từ việc bán các sản phẩm KHCN cũng chiếm phần lớn ở đơn vị này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các vấn đề liên quan đến SHTT. Có những vụ việc kéo dài vài năm không giải quyết được. Có những vụ việc đã xét xử, đã có bản án hợp lệ nhưng việc thi hành án (THA) cũng bị kéo dài, kéo theo nhiều thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Ngay cả khi Busadco đã bỏ ra rất nhiều thời gian, chi phí để theo đuổi một vụ kiện đến khi thắng kiện thì vụ việc được chuyển sang cơ quan THA dân sự để thực hiện việc bồi thường thiệt hại, vụ việc vẫn ở thế bế tắc.

Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco chia sẻ: “Chính sách của Nhà nước hiện nay là khuyến khích các chủ thể sáng tạo đăng ký quyền SHTT của mình để có thể được Nhà nước bảo vệ khi có hành vi xâm phạm xảy ra, nhưng thực tế con đường từ quy định pháp luật đến thực tiễn thi hành là rất gian nan”.

Ví dụ vụ Busadco kiện Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng (Hải Dương) vào năm 2017. Vụ kiện này được xét xử qua 2 cấp tòa (tỉnh Hải Dương và cấp cao tại Hà Nội sau khi Công ty Phượng Hoàng kháng cáo), đến năm 2020 bản án có hiệu lực (TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên Phượng Hoàng phải bồi thường thiệt hại cho Busadco hơn 83 triệu đồng), nhưng cơ quan THA dân sự tỉnh Hải Dương không thể thi hành bản án do không xác minh được tài sản của Công ty Phượng Hoàng làm cơ sở THA.

Khó khăn trong xác minh vi phạm sở hữu công nghiệp

Theo ông Thảo, một khó khăn lớn trong việc xử lý vi phạm pháp luật sở hữu công nghiệp (SHCN) là trước khi tiến hành thanh tra, xác minh, các đoàn thanh tra, cán bộ Tòa án thường thông báo trước thời gian đến làm việc cho đơn vị vi phạm. Việc này vô hình trung tạo điều kiện cho đơn vị vi phạm tiến hành tẩu tán các sản phẩm vi phạm, gây khó khăn cho việc xác minh hành vi vi phạm SHCN.

Cụ thể, Busadco đã tiến hành lập vi bằng thể hiện hành vi vi phạm SHTT đối với sản phẩm hào kỹ thuật tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 (TDC1). Sau đó, Busadco yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, sau khi thanh tra Sở thông báo thời gian làm việc với TDC1 thì TDC1 đã tẩu tán toàn bộ các sản phẩm vi phạm. Và đoàn thanh tra Sở cho rằng, vào thời điểm thanh tra không có các sản phẩm vi phạm tại nhà máy sản xuất của TDC1 nên không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Một vấn đề khó khăn nữa đối với quá trình xử lý vi phạm SHCN là các đơn vị sau khi đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình đã tìm cách chôn lấp các sản phẩm vi phạm và sau đó tiếp tục sản xuất các sản phẩm có kiểu dáng tương tự nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đơn cử vụ Busadco kiện Công ty TNHH Tiến Lâm đang được TAND tỉnh Phú Yên thụ lý giải quyết từ cuối năm 2019 về hành vi sản xuất sản phẩm Hố ga ngăn mùi vi phạm Bằng độc quyền KDCN của Busadco. Vi phạm của Tiến Lâm đã được thể hiện rõ trong quá trình giải quyết tại Thanh tra Sở KH&CN Phú Yên.

Ông Phan Gia Hùng, Giám đốc Công ty Tiến Lâm đã xác nhận: “Công ty không biết việc sản xuất sản phẩm hệ thống hố ga của mình đã xâm phạm KDCN đã được đăng ký bảo hộ của Busadco, nếu biết xâm phạm như vậy Công ty đã không vi phạm....”. Và Tiến Lâm cũng đã có Bản cam kết gửi Sở KH&CN Phú Yên và Busadco sẽ không sản xuất sản phẩm vi phạm KDCN nữa.

Tuy nhiên, sau khi Busadco rút đơn yêu cầu xử lý vi phạm, Công ty Tiến Lâm lại tiếp tục sản xuất sản phẩm hố ga ngăn mùi trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Khi tiếp tục bị kiện, Tiến Lâm đã chôn toàn bộ sản phẩm vi phạm. Để chứng minh sự vi phạm của Tiến Lâm, Busadco bị buộc phải giám định lại các sản phẩm vi phạm, nhưng các sản phẩm này đã bị chôn lấp tại các dự án nên việc thu thập chứng cứ để tiến hành giám định lại là rất khó khăn.

Đọc thêm