Doanh nghiệp "ngã ngửa" vì sự thay đổi khó hiểu ở tỉnh Khánh Hòa

(PLO) - Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) sẵn sàng rót vốn khai thông dự án, chính quyền tỉnh Khánh Hòa lại siết chặt, thậm chí "muốn" thu hồi dự án khiến nhiều DN thấy bất ngờ, khó hiểu và bức xúc.
Dự án khu resort Riviera Cam Ranh
Dự án khu resort Riviera Cam Ranh

Sự bất nhất khó hiểu

Mới đây, chia sẻ với báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ đã than phiền đầy tiếc nuối: "Tỉnh Khánh Hòa là một trong những nơi có tiềm năng du lịch hấp dẫn nhất cả nước, nhưng khơi thông tiềm năng này lại yếu nhất và cũng là nơi bị nhiều DN ý kiến nhất".

Theo GS Võ, người đứng đầu tỉnh thực thi pháp luật không thể chỉ nhăm nhăm vận dụng điều luật máy móc và phải biết linh hoạt, xử lý để thúc đẩy được đầu tư của DN, nhất là khi có những điểm trong luật còn gây tranh cãi 2 năm nay.

Điều mà GS Võ nói đến, chính là những bức xúc của DN Khánh Hòa suốt tuần qua, khi bỗng dưng, mọi hoạt động về thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn cổ đông, thay đổi thành viên góp vốn, đều bị tạm dừng. 

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Crystal Bay cho hay, trước đây vẫn mua lại những dự án chậm tiến độ ở Khánh Hòa để tái cơ cấu. Theo quy định, Tập đoàn nộp tiền phạt chậm tiến độ ở những dự án này và tiếp tục được triển khai bình thường và đã rất thành công. Điển hình như dự án khu resort Riviera Cam Ranh... 

Không hiểu vì sao thời gian gần đây, vẫn cách làm này, Sở Xây dựng lại trả hết hồ sơ không xem xét. "Chúng tôi không biết nói thế nào với các cổ đông", đại diện này giãi bày.

Chia sẻ với PV, một nhà đầu tư cho biết, dự án Sonasea tại Nha Trang của Tập đoàn CEO cũng gặp khó tương tự. Cách đây 2 năm, dự án được cấp phép đồ án quy hoạch 1/500, sau đó, nhà đầu tư muốn điều chỉnh lại quy hoạch để tăng hiệu quả cho dự án, nhưng tỉnh Khánh Hòa không đồng ý. "Có thể tỉnh lo ngại chiêu trò thay đổi quy hoạch để kéo dài dự án, nhưng ở đây, DN làm thật. Cuối cùng, dự án buộc phải giữ nguyên quy hoạch cũ", nhà đầu tư này cho biết. 

Không chỉ bị "soi" về việc thay đổi, chuyển nhượng dự án, các nhà đầu tư mới đây lại... "ngã ngửa" với một văn bản kiến nghị của TP Nha Trang, đề nghị tỉnh rà soát, kiểm tra tất cả các dự án ven núi để qua đó, thu hồi những dự án bị chậm tiến độ.

Trong khi đó, nhà đầu tư dự án làng biệt thự tại khu vực núi Cô Tiên đã giãi bày: "Dự án đã có từ lâu nhưng vì chờ quy hoạch 1/2000 khu vực này mà dự án phải đình trệ lại. Chỉ mong tỉnh ra sớm quy hoạch để công ty còn triển khai dự án".

Tại khu vực Núi Cô Tiên, hiện có tới khoảng 15-20 nhà đầu tư dự án. Trong đó, đã có 5-7 dự án được cấp phép quy hoạch 1/500 như dự án khu nghỉ dưỡng Kim Vân Thủy... Có những dự án đã được phê duyệt cấp phép từ giai đoạn 2008-2009. Thế nhưng, vì sự buông lỏng cấp phép ban đầu này, tới cuối năm 2016, tỉnh Khánh Hòa mới đưa ra chủ trương lập quy hoạch 1/2.000 trước rồi mới xem xét cho các dự án phù hợp triển khai.

Sự thay đổi không đồng bộ này của chính sách đã khiến tất cả các dự án đầu tư tại đây buộc phải ngưng trệ để chờ tỉnh làm quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề tréo nghoe được đặt ra là, suốt từ cuối năm 2016 cho đến nay, đã trôi qua gần 2 năm, bản quy hoạch này vẫn chưa ra đời. 

Trao đổi với PV về sự chậm trễ này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh chỉ trả lời ngắn gọn, việc này đã giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu, triển khai nên giờ, tỉnh đang chờ Sở báo cáo.

Trong khi có sự đình trệ dự án do khách quan từ phía chính quyền tỉnh thì kiến nghị trên của TP Nha Trang khiến không ít DN bức xúc.

Một nhà đầu tư bày tỏ: "Nếu dự án chậm tiến độ vì tỉnh treo quy hoạch thì đó là lỗi của tỉnh chứ không phải của DN. Tỉnh cần xem xét yếu tố này để không thu hồi oan dự án của DN".

Chính quyền thiếu sự sáng tạo và năng động 

Trở lại câu chuyện ngưng trệ tất cả các hoạt dộng đầu tư trên, lý do chính cho các động thái siết chặt quản lý là bởi, chính quyền tỉnh Khánh Hòa lo ngại các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ bị chuyển nhượng thông qua việc thay đổi cổ đông, vốn góp... dẫn tới sẽ khó quản lý.

Tuy nhiên, theo GS Đặng Hùng Võ, một cách quản lý như vậy thì sẽ làm hỏng môi trường đầu tư đi, làm cho khả năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng của Khánh Hòa kém đi so với các tỉnh khác. Sự sáng tạo trong thực thi pháp luật của tỉnh là yếu.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo GS Đặng Hùng Võ, người đứng đầu tỉnh thực thi pháp luật không thể chỉ nhăm nhăm vận dụng điều luật máy móc và phải biết linh hoạt, xử lý để thúc đẩy được đầu tư của DN, nhất là khi có những điểm trong luật còn gây tranh cãi 2 năm nay.

Trước đó, trong văn bản chuẩn bị trả lời cử tri tại kỳ họp của HDND tỉnh Khánh Hòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cđã khẳng định: Việc các cổ đông trong một dự án chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là phù hợp Điều 126 của Luật DN 2014. 

Chuyển nhượng dự án đầu tư và chuyển nhượng cổ phần, vốn góp là 2 quy định khác nhau trong Luật Đầu tư và Luật DN. Dự án đầu tư là cấp phép cho DN. Cho rằng, việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là chuyển nhượng dự án là trái với nguyên tắc của Luật Đầu tư, Luật DN. 

Đầu năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017, cũng đã cho thấy nhiều điểm tối trong môi trường kinh doanh ở tỉnh này. Cụ thể: Chính quyền tỉnh Khánh Hòa có điểm số xếp hạng về sự năng động khá thấp.

Trong 10 chỉ số thành phần đo lường năng lực cạnh tranh, tại Khánh Hòa, có tới 78% DN được khảo sát cho biết gặp khó khăn, bị cản trở khi tiếp cận đất đai. DN đánh giá tỷ lệ rủi ro bị thu hồi đất ở mức khá cao (1,6 điểm). 25% DN được khảo sát cho biết, việc cung cấp thông tin đất đai của chính quyền tỉnh không thuận lợi, không nhanh chóng và 73% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đất đai trong 2 năm. 

Về tính minh bạch, các DN chấm điểm cũng cho biết, việc tiếp cận tài liệu quy hoạch ở tỉnh chỉ ở mức độ khá khó khăn (2,8). Đặc biệt, 80% DN cho biết, phải trông chờ vào mối quan hệ với chính quyền tỉnh mới tiếp cận được các tài liệu của tỉnh. 60% DN phải đi lại nhiều lần, tốn thời gian để làm thủ tục hành chính. 63% DN thừa nhận có tình trạng nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính là phổ biến và 55% DN thừa nhận phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.

 Trong đó, 31% DN phải trả chi phí bôi trơn này trong lĩnh vực đất đai. 46% DN cho rằng, tỉnh ưu ái hơn cho DN Nhà nước, gây khó cho các DN khác trong tiếp cận đất đai. 44% DN cho rằng, tỉnh đã không sáng tạo, năng động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh mới. 58% thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân là không tích cực.

Trong khi đó, Chính phủ thường xuyên kêu gọi việc phải cải thiện môi trường kinh doanh để Việt Nam vươn lên top 4 ASEAN. 

Nói về Nghị quyết 19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ ở các cấp, đặc biệt là ở cấp dưới. “Không để tình trạng ở trên thì quyết liệt, nóng, ở dưới vẫn còn từ từ, coi như chưa phải việc của mình, cá biệt có những nhưng nơi còn ‘lạnh’ như nhiều DN đã phản ánh”.

Trong bối cảnh này, chính quyền tỉnh Khánh Hòa sẽ cần một hành xử khác công tâm, minh bạch và vì DN hơn, đúng với phương châm 10 chữ của Chính phủ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả".

Đọc thêm