60% công ty Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Nhật Bản hiện đứng thứ 2 trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu 2023 với gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 22,1% tổng vốn đầu tư, gấp 2,63 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn vốn FDI từ Nhật Bản được dự báo có khả năng tăng trưởng khi Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ông Tadahiro Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam (JCCH) chia sẻ, JCCH hiện có thành viên là hơn 2.000 công ty Nhật Bản tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, một nửa trong số đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Trong đó, máy móc vận tải bốn bánh và hai bánh, điện tử và máy móc công nghiệp là những lĩnh vực chính và những ngành sản xuất này đòi hỏi đầu tư lớn, tạo ra một lượng lớn việc làm tại địa phương và thu hút nhiều ngành công nghiệp phụ trợ.
Cũng theo Chủ tịch JCCH, trong những năm gần đây, trước nhu cầu cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu dùng sôi động của Việt Nam, các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào phát điện năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng sản xuất điện khác, cũng như phát triển đô thị như trung tâm mua sắm.
Theo Chủ tịch JCCH, Việt Nam hiện là điểm đến phát triển kinh doanh hứa hẹn nhất trong ASEAN đối với các công ty Nhật Bản. Hơn 60% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 2 năm tới.
Kỳ vọng phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả
“Đối với các công ty Nhật Bản, khi mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi có tính đến rủi ro tranh chấp thương mại sẽ gia tăng, chẳng hạn như không thực hiện đúng hợp đồng… - Chủ tịch JCCH, ông Tadahiro Kinoshita chia sẻ.
Dẫn quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của Việt Nam năm ngoái, ông Kinoshita cho biết, có những trường hợp nhà máy không thể đưa vào hoạt động mặc dù đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và nhà kho do không xin được giấy chứng nhận PCCC.
Đối với công ty xây dựng, dù là công ty xây dựng Nhật Bản hoặc một công ty xây dựng địa phương tại Việt Nam đều không thể bàn giao được công trình nên cũng không thể thu hồi chi phí xây dựng, còn chủ đầu tư là DN sản xuất thì cũng đánh mất cơ hội kinh doanh do sự chậm trễ trong việc đưa nhà máy vào hoạt động. “Trong tương lai, vấn đề ai sẽ chịu chi phí xây dựng bổ sung để đáp ứng được các quy định mới về PCCC ngày càng trở nên nổi cộm?”- ông Tadahiro Kinoshita nêu vấn đề.
Trong khi đó, ông Keigo Sawayama, Luật sư thành viên, Nagashima Ohno & Tsunematesu, đại diện Trung tâm Giải quyết tranh chấp quốc tế Nhật Bản (JIDRC) cũng cho biết, có một số vụ tranh chấp giữa DN Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, nguyên nhân do sự chậm trễ thủ tục trong dự án khai thác bất động sản.
“Nhưng việc khiếu nại lên cơ quan hành chính và tố giác hình sự không phải là phương pháp tối ưu để yêu cầu hoàn trả tiền. Chúng ta cần nghiên cứu phương pháp trọng tài, thương lượng và khả năng thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành sau đó…”- Luật sư Keigo Sawayama chia sẻ.
Đề cập đến phương thức giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, Chủ tịch JCCH cũng cho rằng, việc cố gắng giải quyết những tranh chấp của DN tại tòa án là vô cùng tốn thời gian và chi phí, đồng thời các DN còn lo ngại về việc liệu tòa án có đưa ra phán quyết công bằng hay không. Do đó, ông cho rằng nhu cầu của các DN về việc muốn xử lý nhanh chóng thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế sẽ tiếp tục tăng.
Quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, các phán quyết của trọng tài Việt Nam và của trọng tài nước ngoài đều có thể cưỡng chế thi hành tại Việt Nam. Vì thế, trọng tài sẽ giúp đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thương mại và là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của DN và nhà đầu tư.
“Trước đây, để thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, dường như đã có trường hợp DN nộp đơn yêu cầu tòa án tại Việt Nam công nhận việc thi hành phán quyết trọng tài nhưng tòa án đã không công nhận khiến DN không thể thi hành được. Tôi nghe nói rằng tỷ lệ phán quyết trọng tài không được công nhận đã giảm trong những năm gần đây và có vẻ như tình hình đang được cải thiện, vì vậy tôi sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này…”- Chủ tịch JCCH nói, đồng thời bày tỏ kỳ vọng các tổ chức trọng tài quốc tế của Việt Nam sẽ tiếp tục đảm bảo tính trung lập, minh bạch và nhanh chóng ở mức độ cao để có thể là một lựa chọn cho các công ty nước ngoài.