Doanh nghiệp nhỏ và vừa 'khát' vốn với gánh nặng chi phí 'đen'

(PLO) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn nhưng không thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, việc hối lộ đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp khi với một số doanh nghiệp, hối lộ lên đến 10-20% tổng chi phí…  nên doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có cơ hội để “lớn”.
Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Kinh nghiệm từ Nhật Bản” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức
Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Kinh nghiệm từ Nhật Bản” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức

Thông tin được nêu ra tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Kinh nghiệm từ Nhật Bản” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng nay (2/3) cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang trong một vòng luẩn quẩn, khó thoát ra để phát triển nếu thiếu các chính sách hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước và cả xã hội.

Vòng luẩn quẩn vì thiếu vốn

Kết quả khảo sát tình hình DNNVV do Nhóm công tác Hỗ trợ DNNVV (WT5) thuộc Sáng kiến chung Nhật – Việt Giai đoạn VI thực hiện từ tháng 3-5/2016 cho thấy, các DNNVV đang gặp nhiều vấn đề.

Vốn yếu, khó tiếp cận vay vốn, chính sách của Chính phủ hiệu quả thấp chưa có tác dụng phát triển DNNVV, năng lực kinh doanh thấp… làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lý, các tệ nạn như tiền hoa hồng, giảm tính minh bạch trong hoạt động của DN...

Chỉ ra nguyên nhân khiến DN luôn “khát” vốn, báo cáo khảo sát cho biết là do thuế suất và lãi suất vay quá cao, cùng thủ tục thẩm định phức tạp, yêu cầu tài sản đảm bảo khiến DNNVV chuyển sang vay ở các ngân hàng tư nhân (lãi suất khoảng 12-13%/năm), thậm chí phải vay cả tín dụng “đen”.

Báo cáo khảo sát cũng phát lộ tình trạng, “các DNNVV không có quan hệ với các quan chức Chính phủ thì không nhận được bất cứ hỗ trợ nào”. Đây có lẽ là nguyên nhân hình thành thể chế xã hội khiến cho DNNVV luôn “mắc kẹt” trong nạn hối lộ để có thể vay vốn và hoạt động.

Cùng với việc gần như không có tài sản bảo đảm, 2 hệ thống sổ sách kế toán để đối phó với vấn nạn hối lộ do thủ tục hành chính còn phiền hà, không rõ ràng làm hoạt động của DNNVV thiếu minh bạch, càng khiến các ngân hàng chần chừ trong việc cho vay.

Ngân hàng “ngại” cho DNNVV vay vốn vì rủi ro quá cao

Ngân hàng “ngại” cho DNNVV vay vốn vì rủi ro quá cao

Thậm chí kể cả khi DN có tài sản bảo đảm thì ngân hàng vẫn gặp rủi ro cao khi cho vay vì việc quản lý tài sản đảm bảo là về giấy tờ nên DN có thể bán mất tài sản đảm bảo khi chưa chưa tất toán khoản vay.

Vì thế, theo các ngân hàng, “DNNVV kém minh bạch nên ngân hàng không yên tâm. Nếu không có tài sản đảm bảo thì rủi ro quá cao nên không thể cho vay”.

Từ đó, DNNVV không thể thoát được vòng luẩn quẩn thiếu vốn, khả năng gánh chịu rủi ro của DNNVV thấp, gặp phải nhiều vấn đề khi chính sách hoặc môi trường vĩ mô thay đổi đột ngột, hạn chế hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt, qua khảo sát, DN phản hồi về “chính sách không rõ ràng”, “thủ tục hành chính phiền hà”, “có các khoản thu, phí không chính thức ở các cơ quan hành chính” dẫn đến tổn thất cho DN.

 DN bị “đòi và phải đưa hối lộ” khi thực hiện thủ tục hành chính ngay cả trường hợp DN muốn xin hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ, hoàn thuế, xuất nhập khẩu… DN còn phản ánh “việc hối lộ đã trở thành gánh nặng cho DN”. Có một số DN, hối lộ lên đến 10-20% tổng chi phí của DN.

Kết quả khảo sát cũng cảnh báo, lĩnh vực bất động sản dù có thời kỳ đã phát triển thành “bong bóng” nhưng đang gián tiếp được hưởng các nguồn bố từ nhà nước nên kết quả là vốn đầu tư xã hội cho ngành sản xuất bị giảm, cản trở đến việc xây dựng nền móng cho các ngành sản xuất, về tổng thể là tăng chi phí, giảm năng suất của ngành sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài thì chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Giảm chi phí cho DN khi giảm khả năng đòi hối lộ của cán bộ

Chuyên gia Nhật Bản nhận định, DNNVV có tiềm năng trở thành động lực cho kinh tế Việt Nam, nhưng do thiếu vốn nên không thể phát triển được.

Vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay và xóa bỏ cơ hội nhũng nhiễu DN thông qua các thủ tục hành chính minh bạch vì thế là vấn đề quan trọng nhất, cần được giải quyết triệt để cho DNNVV phát triển.

Nhóm khảo sát kiến nghị, để tăng vốn vay của ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục, giảm lãi suất cho DNNVV cần thúc đẩy ý muốn đầu tư vào ngành sản xuất, thay vì ngành bất động sản để chuyển các nguồn lực hỗ trợ thị trường bất động sản sang Quỹ Hỗ trợ DNNVV.

Nuôi dưỡng văn hóa khởi nghiệp, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho thu nhập từ đầu tư vào DNNVV, giảm thuế thu nhập DN cho DNNVV để nâng cao tỷ lệ lợi nhuận được giữ lại cho việc tái đầu tư.

Như tại Nhật Bản có quy định ngoại lệ trong thuế suất thuế thu nhập DN như doanh thu dưới 8 triệu Yên thì thuế suất gỉam còn 15% (so với thuế suất thường là 23,9%); hay DNNVV được tính vào chi phí của DN tối đa đến 8 triệu Yên phí tiếp khách…

Để khuyến khích DNNVV đầu tư, chế độ thuế của Nhật Bản quy định, nếu mua sắm máy móc, thiết bị thì có thể được khấu trừ thuế hay hưởng các khoản khấu hao đặc biệt, nhất là các thiết bị nâng cao năng suất…

Theo các chuyên gia của Nhóm công tác, Nhà nước cần gánh rủi ro để giảm lãi suất, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn vay ngân hàng thông qua thành lập các ngân hàng chuyên cho DNNVV vay với lãi suất thấp.

Chính phủ hỗ trợ hoàn toàn các khoản lỗ, xây dựng cơ chế bảo lãnh khoản vay. Theo đó, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho các cơ quan bảo lãnh khoản vay của DNNVV trong trường  hợp DN phá sản.

Như ở Nhật Bản, nếu DNNVV định nhận tín dụng ngân hàng thì xin áp dụng chế độ bảo lãnh của Hiệp hội bảo lãnh tín dụng (CGC) thông qua các tổ chức tài chính tư  nhân bình thường.

Sau đó CGC ký hợp đồng bảo lãnh tín dụng với tổ chức tín dụng tư nhân và tổ chức tài chính tư nhân cấp dụng cho DNNVV.

Nếu DN không trả được nợ, CGC sẽ trả thay và tiền trả nợ này do Công ty Tài chính chính sách Nhật Bản (JFC) được sở hữu 100% bởi Chính phủ cấp qua tiền bảo hiểm.

Thông thường CGC và JFC ký hợp đồng bảo hiểm khung về việc hoàn trả vốn. Chính phủ cấp ngân sách hàng năm cho JFC, giám sát 2 cơ quan này. 

Ngoài ra, theo Nhóm công tác, cần nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh của DNNVV bằng các quy định, hình phạt nghiêm khắc về đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật của kế toán viên và các cán bộ phụ trách.

Đơn giản, minh bạch hóa, xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho các thủ tục hành chính để giảm chi phí cho DN, giảm khả năng đòi hối lộ của cán bộ.

Trao đổi bên lề Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định cả các nước đều có chính sách hỗ trợ DNNVV vì đây là những DN “dễ bị tổn thương” nhưng có đóng góp to lớn cho nền kinh tế. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông

“Ở đâu đó có lúc nhận thức rằng nền kinh tế của chúng ta toàn “thuyền thúng” (DNNVV – PV), phê phán rất nặng nề vì tới 90,7% DN đều là DNNVV. 

Nhưng qua kinh nghiệm của Nhật Bản, cần chính sách hỗ trợ của DNNVV bởi những DN này là nơi có nhiều sáng tạo của con người, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đóng góp vào chuỗi phát triển rất lớn và phần quan trọng hơn nữa là tạo ra 70% công ăn việc làm cho xã hội” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thứ trưởng cho rằng, “nếu cách tiếp cận, phương pháp đúng đắn và đi đúng bài bản, quan trọng hơn là nếu số tiền bỏ ra hỗ trợ tốt, làm đúng thì trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp vẫn có thể hỗ trợ phát triển DNNVV hiệu quả”. 

Theo Thứ trưởng, Nhật Bản đưa ra rất rõ chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Đây cũng là phần quan trọng trong dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.

“Chúng tôi đặt ra chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính. Không nhất thiết phải cho họ tiền mà giúp cho họ về sổ sách, báo cáo, cung cấp những phần mềm đơn giản để ứng dụng luôn thì rất tốt. Thông qua các tổ chức, hiệp hội của họ để giúp cho DN làm tốt phần quản trị tài chính, năng lực quản trị thì mới tiếp cận vốn được” – ông Đặng Huy Đông cho biết. 

Đọc thêm