Doanh nghiệp sữa Cô Gái Hà Lan lan tỏa giá trị bền vững trong quy trình sản xuất sữa

(PLVN) -  Hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, FrieslandCampina, tập đoàn với di sản trên 150 năm sở hữu thương hiệu Sữa Cô Gái Hà Lan, Friso, Yomost…, tự hào là một trong những doanh nghiệp nước ngoài tiên phong thực hiện mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu phát thải tối đa, hướng đến tăng trưởng xanh và đóng góp cho cộng đồng tại Việt Nam.

Để làm được điều đó, FrieslandCampina Việt Nam đã sớm đưa ra những chiến lược dài hạn và hiện thực hóa mục tiêu này bằng việc tập trung vào sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm và tái sử dụng nước; tuần hoàn bao bì và giảm thiểu rác thải nhựa trong chuỗi cung ứng.

Tối ưu hóa quy trình sản xuất xanh tại nhà máy

FrieslandCampina Việt Nam là một trong các công ty tiên phong trong ngành sữa thế giới phát triển hệ thống giám sát & kiểm soát khí thải CO2 (carbon footprint monitor), sử dụng năng lượng tái tạo, khởi xướng và triển khai các sáng kiến mới để tối ưu hóa cũng như giảm mức tiêu thụ năng lượng...

Nhà máy của FrieslandCampina tại Hà Nam, một trong các nhà máy tại Châu Á tiên phong thực hiện mô hình sản xuất xanh.

Cụ thể, các nhà máy của công ty đã thay thế 100% dầu diesel bằng hơi từ năng lượng sinh khối để giảm hàng chục nghìn tấn phát thải CO2 mỗi năm. Kết quả là từ năm 2015 – 2023, nhà máy Bình Dương và Hà Nam đã giảm 98% phát thải khí nhà kính (GHG), tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, sử dụng hệ thống hơi từ sinh khối.

Đáng chú ý ở Chương trình Phát triển ngành sữa,công ty đã hỗ trợ và cùng các hộ nông dân nỗ lực giảm CO₂ thông qua việc cải thiện năng suất chăn nuôi, lắp đặt hệ thống khí sinh học tại trang trại và phân tách phân bò, sử dụng năng lượng mặt trời tại các điểm làm lạnh sữa tươi đã giúp giảm hơn 7.000 tấn CO₂ mỗi năm.

Các điểm làm lạnh sữa tươi đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng mặt trời, giảm phát thải CO2.

Tạo tác động tích cực đến nguồn nước

Một yếu tố không thể thiếu trên hành trình kiến tạo tương lai xanh chính là Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế (3R) nguồn nước bởi đây là một phần rất quan trọng trong chương trình phát triển bền vững của công ty tại các nhà máy. Hai nhà máy tại Bình Dương và Hà Nam đều được đầu tư công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý tự động, xử lý nước thải khép kín, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng sạch, đạt tiêu chuẩn khắt khe của Hà Lan.

Nhờ tối ưu hóa quy trình làm sạch tại chỗ (CIP) và áp dụng các sáng kiến trong hoạt động sản xuất, các nhà máy của FrieslandCampina Việt Nam đang tiết kiệm khoảng 73.500 m3 nước và tái sử dụng gần 15.400 m³ nước hàng năm, tương đương lượng nước sử dụng của 6.909 hộ gia đình trong một tháng. Các hoạt động này góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm 25% lượng nước tiêu thụ trên mỗi tấn sản phẩm hoàn thiện giai đoạn 2018-2030.

Song song đó, để bảo tồn nguồn tài nguyên nước, các nhà máy đã và đang triển khai dự án tái sử dụng nước thải công nghiệp đến 50%, tương đương 250.000 m³/năm. Đến năm 2027, lượng nước tái chế này sẽ được sử dụng vào các mục đích vệ sinh và làm mát tại nhà xưởng.

Hệ thống xử lý tái sử dụng nước thải công nghiệp tại nhà máy của FrieslandCampina Việt Nam.

Triển khai sáng kiến bao bì bền vững

Tập đoàn FrieslandCampina đặt bao bì bền vững là 1 trong 6 trọng tâm của chiến lược Phát triển Bền vững của mình. Để theo đuổi trọng tâm này, ngay từ năm 2019, FrieslandCampina Việt Nam đã cùng 8 công ty khác đồng sáng lập Liên minh Bao bì Tái chế Việt Nam (PRO Việt Nam) với sứ mệnh nâng cao năng lực thu gom tái chế của các thành viên liên minh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp.

Hiện nay 91% bao bì của FrieslandCampina Việt Nam đã là bao bì có khả năng tái chế, đặc biệt là bao bì giấy nâu thân thiện môi trường làm bằng chất liệu PE sinh học (Bio-PE) có nguồn gốc từ bã mía của nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan được đưa ra thị trường vào giữa năm 2022. Với bao bì nâu, nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan có thể hạn chế 10,4% khí thải CO2 so với bao bì thông thường. Ước tính trong 10 năm tới sẽ giúp giảm 517 tấn khí nhà kính và 392 tấn nhựa hóa thạch.

Tại các nhà máy sản xuất, FrieslandCampina đang dần loại bỏ hoàn toàn màng căng nhựa dùng một lần cho pallets và thay thế bằng vật liệu tái sử dụng đến 5 năm để có thể giảm khoảng 48 tấn nhựa/năm. Từ năm 2019, các nhà máy đã thực thi và duy trì cam kết “Không rác thải chôn lấp”, đảm bảo tất cả chất thải đều được thu gom và xử lý thân thiện với môi trường. Theo đó, 100% vỏ hộp sữa thải ra từ các nhà máy đều được tái chế để tạo ra những sản phẩm hữu ích như giấy, tấm lợp, pallet…

Vật liệu tái sử dụng thay thế plastic stretch film.

Bên cạnh cam kết thu gom và tái chế bao bì thông qua PRO Việt Nam, vào năm 2023, FrieslandCampina Việt Nam đã khởi xướng hợp tác chiến lược ba bên với Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương và Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Trường Thịnh để nâng cao năng lực thu gom và tái chế bao bì rác thải.

Trên hành trình gần 3 thập kỷ tại Việt Nam, sự kiên định trong cam kết cũng như hành động đã giúp FrieslandCampina Việt Nam gặt hái được nhiều “trái ngọt” bằng những giải thưởng cũng như ghi nhận từ các cơ quan nhà nước và các tổ chức về phát triển bền vững. Đơn cử là giải Giải Vàng Chất lượng Quốc gia 2021 của Thủ tướng Chính phủ, giải thưởng “Sản phẩm và dẫn dắt tiêu thụ có trách nhiệm” và “Tiếp thị có trách nhiệm” tại lễ vinh danh “Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư trao tặng, “Top 100 doanh nghiệp bền vững - CSI 2024” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức với sự phối hợp của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đọc thêm