Doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng dù ảnh hưởng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù số doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong tháng 5 giảm so với tháng trước cả về số lượng và vốn đăng ký, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động đạt 78,3 nghìn DN, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo các chuyên gia, đang có xu hướng đổi mới, tái cấu trúc trong thương mại sang hướng kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số.
Theo các chuyên gia, đang có xu hướng đổi mới, tái cấu trúc trong thương mại sang hướng kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số.

Dần thích nghi

Theo số liệu Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố, trong tháng 5/2021, cả nước có 11,6 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người, giảm 22% về số DN, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 23,7% về số lao động so với tháng 4/2021. 

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, số DN tăng 8,1%; số vốn đăng ký tăng 33,6%; số lao động đăng ký giảm 21,1%. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 13 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong tháng, cả nước còn có 4.892 DN quay trở lại hoạt động, giảm 14,8% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; 3.400 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 26,1% và tăng 1,7%; 4.234 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,5% và tăng 37,3%; 1.279 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17% và tăng 33%.

Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 55,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động, tăng 15,4% về số DN, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. 

Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 5 tháng đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 975,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 19,1 nghìn DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2021 là 1.753,4 nghìn tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh đó, còn có gần 22,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 78,3 nghìn DN, trung bình mỗi tháng có gần 15,7 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đức Độ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng số DN thành lập mới và quay lại hoạt động tăng kỷ lục chứng tỏ các DN đang dần thích nghi với hoàn cảnh bình thường mới, cố gắng cầm cự, phát triển, vượt qua đại dịch.

Mới hình thành chưa đầy 2 tháng, nhóm “Giao thương và phát triển” trên Zalo đã thu hút được trên 800 thành viên, chủ yếu là các DN nhỏ và vừa. Điểm đặc biệt của nhóm này là các thành viên giới thiệu, trao đổi hàng hóa dịch vụ, thậm chí động viên lẫn nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này

Không chủ quan

Báo cáo của TCTK cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 31,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

 Như vậy, mỗi tháng có 15,7 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có gần 12 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Theo các chuyên gia, việc các DN gia nhập và rút lui khỏi thị trường cũng là điều bình thường trong kinh doanh nhưng không thể chủ quan. 

Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nếu phân tích số DN rút lui khỏi thị trường thì đây chủ yếu là DN thương mại, dịch vụ nhỏ chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19. Đây là xu hướng đổi mới, tái cấu trúc trong thương mại sang hướng kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số.

"Tất nhiên, nó cũng đang phản ánh có một số DN nhỏ, đặc biệt trong nhóm dịch vụ thương mại đang gặp khó khăn, đặc biệt là dịch vụ vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn" - PGS TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các chính sách hỗ trợ cần bài bản, căn cơ hơn và sớm đi vào cuộc sống, có như vậy mới kéo xa khoảng cách giữa DN mới đi vào hoạt động và DN rút lui khỏi thị trường…

Đọc thêm