Hơn 59% nhập từ Trung Quốc
Theo số liệu mới được công bố từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhập khẩu thép các loại trong tháng 9/2016 đạt trên 1,6 triệu tấn, trị giá 735 triệu USD, tăng 24,7% về lượng và 12,6% về giá trị so với tháng trước.
Chín tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu sắt thép các loại đạt gần 13,92 triệu tấn, giá trị hơn 5,84 tỷ USD, tăng 24,7% về số lượng nhưng chỉ tăng 2,3% về giá trị. Thị trường cung cấp thép nhiều nhất cho Việt Nam trong 9 tháng qua là Trung Quốc, với 8,22 triệu tấn, trị giá hơn 3,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 59,1% về lượng, 55,7% về giá trị trong tổng số thép nhập khẩu.
Điều đáng nói, trong khi sản lượng nhập khẩu tăng mạnh thì tổng giá trị kim ngạch gần như giữ nguyên. Điều đó cho thấy giá nhập khẩu thép mỗi lúc một giảm.
Theo VSA, căn cứ vào sản lượng và tổng trị giá nhập khẩu thì mức giá trung bình của sắt thép nhập khẩu năm 2016 chỉ vào khoảng 410USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2015, mức giá bình quân của mặt hàng này là 527 USD/tấn. Như vậy, trong vòng một năm nay, mức giá bình quân mặt hàng sắt thép nhập khẩu đã giảm 117 USD/tấn, tương đương mức giảm 28,5%.
Nguồn sắt thép giá rẻ đổ bộ vào Việt Nam đến chủ yếu từ Trung Quốc. Cụ thể, mức giá bình quân năm 2016 chỉ là 384 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 488 USD/tấn. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn nhập thép từ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga…
Trong khi lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn, nhất là thép rẻ Trung Quốc thì số lượng sản xuất và xuất khẩu thép của Việt Nam khá khiêm tốn. Theo VSA, các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 9/2016 sản xuất được 1,5 triệu tấn, giảm 2,37% so với tháng trước đó. Bán hàng sản phẩm thép các loại tháng 9/2016 đạt hơn 1,2 triệu tấn, giảm 6,05% so với tháng 8/2016. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 232.396 tấn trong tháng 9, giảm 13,9% so với tháng trước.
Cũng theo VSA, ASEAN là thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam. Lượng thép thành phẩm xuất khẩu sang khu vực này tháng 8/2016 đạt 134,8 nghìn tấn, giảm 6,8% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 43,16% tổng lượng thép xuất khẩu.
Trong khi việc xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn thì cuối tháng 9, sản phẩm thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đồng thời bị các doanh nghiệp sản xuất thép Hoa Kỳ nộp đơn kiện yêu cầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).
Ngoài ra, vào cuối tháng 9/2016, Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ từ Việt Nam với mức thuế 310,74%. “Việc thép rẻ Trung Quốc không ngừng đổ vào Việt Nam và nhiều nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá đối với thép Việt Nam khiến ngành Thép chúng ta gặp một số khó khăn”, đại diện VSA nói.
Thép Nhà nước “làm ăn” ra sao?
Trong khi các tập đoàn, tổng công ty thép tư nhân gặp một số khó khăn do thép Trung Quốc giá rẻ thì Tổng Cty Thép Việt Nam (VNSTEEL) vẫn giữ nhịp sản xuất, kinh doanh khá tốt. Ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng Giám đốc VNSTEEL cho biết, thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam với số lượng lớn từ nhiều năm nay. Cụ thể, theo Ban Kế hoạch Thị trường (VNSTEEL), dù phải cạnh tranh với thép Trung Quốc nhưng kết quả sản xuất 9 tháng đầu năm 2016 của Tổng Công ty tương đối khả quan, các chỉ tiêu đều đạt trên 80% so với kế hoạch đặt ra và đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất ước đạt 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước 600 tỷ đồng.
Trong chín tháng đầu năm, VNSTEEL đã sản xuất được hơn 2,3 triệu tấn thép xây dựng, tiêu thụ cũng được hơn 2 triệu tấn loại thép này. Trong khi đó, thép ống sản xuất được hơn 32 nghìn tấn, tiêu thụ được hơn 30 nghìn tấn.
Lãnh đạo VNSTEEL cho biết, các mặt hàng chính để xuất khẩu là thép xây dựng (cuộn, cây, hình). Năm 2015, Tổng Công ty này xuất khẩu được 156.380 tấn, trị giá 76 triệu USD. Chín tháng đầu năm 2016 xuất được 94.265 tấn, trị giá 27 triệu USD.
Liên quan đến việc thời gian qua thép Việt Nam xuất sang một số nước như Hoa Kỳ, Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá, VNSTEEL cho biết, các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá hay chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá chủ yếu tập trung ở mảng thép dẹt (CRC, ống, tôn mạ). Dải sản phẩm này, hệ thống VNSTEEL xuất khẩu không nhiều, do đó ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động xuất khẩu không đáng kể.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VNSTEEL, nguy cơ ảnh hưởng gián tiếp đối với Tổng Công ty này là đáng lo ngại, khi các công ty xuất khẩu dải sản phẩm này bị chặn đường xuất khẩu sẽ quay lại thị trường nội địa, tăng sự cạnh tranh nội địa. Ngoài ra, một số đơn vị trong hệ thống VNSTEEL đang sản xuất nguyên liệu cung cấp cho các công ty xuất khẩu này cũng sẽ bị ảnh hưởng khi đầu ra xuất khẩu của bị sụt giảm.
“Theo Ban Kế hoạch Thị trường (VNSTEEL), dù phải cạnh tranh với thép Trung Quốc nhưng kết quả sản xuất 9 tháng đầu năm 2016 của Tổng Công ty này tương đối khả quan, các chỉ tiêu đều đạt trên 80% so với kế hoạch đặt ra và đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất ước đạt 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước 600 tỷ đồng”.