Doanh nghiệp Top 500 cũng "xài chùa" phần mềm máy tính

UBND TP HCM vừa xử phạt Công ty TNHH Thiên Nam Hòa- Thương hiệu bán lẻ điện máy được yêu thích nhất, nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vì cài đặt phần mềm chưa được cấp phép của Microsoft.

UBND TP HCM vừa xử phạt Công ty TNHH Thiên Nam Hòa- Thương hiệu bán lẻ điện máy được yêu thích nhất, nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vì cài đặt phần mềm chưa được cấp phép của Microsoft.

Công ty Thiên Nam Hòa (sở hữu hệ thống Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa) bị xử phạt do cài đặt các phần mềm chưa được cấp phép của Microsoft, bao gồm phiên bản Consumer Preview của Microsoft Windows 8 chỉ dành cho người tiêu dùng, vào các máy tính để bán tại hệ thống cửa hàng bán lẻ.

THN
Một cửa hàng trong chuỗi siêu thị của công ty Thiên Nam Hòa 

Sự việc làm “nóng” lên câu chuyện bản quyền máy tính vốn đã được xem là vấn nạn trên thị trường Việt Nam.

Trong vòng 6 tuần liên tiếp, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều cửa hàng bán máy tính vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm máy tính.

Thiên Hòa Nam không phải doanh nghiệp lớn duy nhất bị phát hiện “xài chùa” phần mềm máy tính.

Tại Công ty An Phát(269 Chùa Bộc, Hà Nội) lực lượng chức năng phát hiện Công ty này cài đặt trái phép các phần mềm Windows và Office của Microsoft vào hai máy tính xách tay mang nhãn hiệu Dell và một máy tính xách tay mang nhãn hiệu Asus để bán cho khách hàng, vi phạm Điều 20 của Nghị định số 47/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan. Cơ quan chức năng đã yêu cầu Bà Lê Thị Hương Giang – Giám đốc Công ty An Phát phải lập tức chấm dứt các hành vi vi phạm và áp dụng biện pháp tịch thu tang vật vi phạm.

Công ty Cổ phần Tin học Gia Huy(458 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí Minh),Công ty Cổ phần Công nghệ Lê Phụng (TP Hồ Chí Minh), cũng bị lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, xử lý vì hành vi cố ý cài đặt các phần mềm chưa được cấp phép của Microsoft vào các máy tính bán cho khách hàng, vi phạm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Cục Bản quyền tác giả Việt Nam nhận định: hành vi xâm phạm quyền tác giả đang xảy ra trong hầu hết các lĩnh vực nhưng đặc biệt nghiêm trọng trong các máy tính kỹ thuật số bởi phần mềm không nhìn thấy được và người vi phạm tin rằng họ có thể không bị xử phạt vì hành vi xâm phạm đó.

Việc sử dụng hay sao chép phần mềm không phù hợp với các điều khoản cấp quyền sử dụng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, chương trình khi được cài đặt không có bản quyền có thể bị virus hoặc tin tặc tấn công dẫn tới hủy hoại ổ cứng hoặc mất dữ liệu.

Cơ quan chức năng thanh kiểm tra một cửa hàng máy tính trong chiến dịch xử lý vi phạm bản quyền tại Việt Nam
Cơ quan chức năng thanh kiểm tra một cửa hàng máy tính trong chiến dịch xử lý vi phạm bản quyền tại Việt Nam

Các chuyên gia công nghệ thông tin cũng khẳng định các nhà cung cấp máy tính đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với phần mềm. Nếu các nhà cung cấp tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và không cài đặt hay hỗ trợ cài đặt các phần mềm không có bản quyền khi bán máy tính cho khách hàng thì dần dần người tiêu dùng sẽ thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen sử dụng phần mềm vi phạm.

Theo chính sách cấp quyền sử dụng của Microsoft, các bản dùng thử được thiết kế đặc biệt cho những chuyên viên phần mềm, những người phát triển phần mềm hoặc cho người tiêu dùng xem xét mà không phải để chạy thử hay phục vụ cho mục đích kinh doanh. Vì vậy, bất kỳ hành vi nào liên quan đến việc cài đặt các phần mềm như vậy của Microsoft là vi phạm chính sách cấp quyền sử dụng của Microsoft và là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Thanh Lương

Đọc thêm