Doanh nghiệp tư nhân cần “dám lớn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các chính sách phát triển kinh tế tư nhân đang được xây dựng với tư tưởng thúc đẩy mạnh mẽ khu vực này. Doanh nghiệp tư nhân cần gì trong giai đoạn này? Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn ông Hoàng Đình Kiên - Tổng Giám đốc Công ty CP Tiếp vận Hòa Phát (Hòa Phát logistics).
Ông Hoàng Đình Kiên – Tổng Giám đốc Hòa Phát logistics.
Ông Hoàng Đình Kiên – Tổng Giám đốc Hòa Phát logistics.

Cán bộ quản lý nhà nước có thể làm tốt hơn

Ông từng chia sẻ, Hòa Phát logistics là một trong nhiều đơn vị được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách dành cho khối doanh nghiệp (DN) tư nhân. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Hòa Phát logistics được thành lập năm 2010, nhưng từ 2010 đến khoảng năm 2018, công ty mới ở trong giai đoạn phát triển khách hàng, phát triển đội xe ở mức độ vừa phải. Bắt đầu từ 2018 đến nay, Công ty tập trung đầu tư rất nhiều, lại đúng vào giai đoạn có sự chuyển đổi rõ nét của hệ thống quản lý của Nhà nước khi có thể thực hiện nhiều thủ tục online.

Hiện nay, việc đăng ký chứng nhận đầu tư có thể thực hiện online và tương tác rất nhanh. Về thủ tục nộp hồ sơ, hướng dẫn rất rõ ràng, nên DN có thể thực hiện dễ dàng. Đối với DN, khi đã quyết định đầu tư và mua được tài sản, thì việc tài sản đi vào vận hành càng sớm càng tốt là rất cần thiết. Thời gian rút ngắn và thủ tục đơn giản giúp chúng tôi hưởng lợi trực tiếp. Lợi ích tạo ra từ tài sản trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với trước đây.

Ví dụ, hiện nay nếu đầu tư một kho logistics thì thủ tục hoàn thành điều kiện về giấy chứng nhận đầu tư chỉ mất từ 2 - 3 tháng. Sau đó, xây kho khoảng một năm. Như vậy, toàn bộ việc đầu tư của Công ty kéo dài khoảng trên dưới một năm là có thể đưa vào vận hành, rất nhanh so với trước đây, khi phải 2 hoặc 3 năm mới có thể vào vận hành.

Mọi thứ hiện nay đều cởi mở, nộp hồ sơ từ xa, thậm chí nếu nắm vững về mặt pháp luật thì DN hoàn toàn chủ động trong câu chuyện này.

Gần đây, một kết quả khảo sát về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) cho thấy đây vẫn là một trong ba khó khăn lớn nhất của DN. Ông có chia sẻ với quan điểm này?

- Vấn đề này phải nhìn từ nhiều góc độ. Thứ nhất, bây giờ có hướng dẫn rõ ràng về thủ tục không? Các cổng tiếp nhận thông tin, các cổng để nộp, nhận báo cáo, thông tin và các đơn trình của DN có rõ ràng không? Phải công bằng mà nói, bây giờ rất rõ ràng. Tất cả các cổng thông tin xử lý đều có thể nộp được. Tất cả mọi hướng dẫn và giải đáp đều có.

Nhưng hỏi việc DN hiện nay có còn khó khăn hay không, tôi cho rằng DN vẫn gặp khó khăn. Khó khăn ở điểm nào? Theo tôi, với quy định pháp luật hiện nay, việc tuân thủ trăm phần trăm không phải DN nào cũng có thể thực hiện ngay. Hoặc khi xảy ra vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC, ai sẽ là người hỗ trợ? Các DN có kỳ vọng, mong muốn sự hỗ trợ rõ ràng hơn không? Cá nhân tôi thấy rằng phía quản lý nhà nước vẫn có thể làm tốt hơn so với hiện tại.

Cần xây dựng KPI cho từng bộ phận của cơ quan quản lý nhà nước

Ông có thể nói rõ hơn về việc quản lý nhà nước vẫn có thể làm tốt hơn so với hiện tại?

- Ví dụ, có rất nhiều quy định mà DN có thể chưa nắm rõ, khi xảy ra tình huống hồ sơ bị vướng, cách xử lý của chúng ta là gì? Tôi nhận thấy, hiện nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đầu tiên, bản thân DN phải hoàn chỉnh hồ sơ của mình đã. Nếu DN chưa làm tốt thì cũng rất khó. Nhưng khi DN đã làm tốt rồi, mà vẫn bị vướng, thì phải nói thật là không phải cán bộ quản lý nhà nước nào cũng nỗ lực để hỗ trợ DN.

Hòa Phát logistics lọt danh sách Top 100 Doanh nghiệp triển vọng tăng trưởng Việt Nam. (Ảnh trong bài: ĐVCC)

Hòa Phát logistics lọt danh sách Top 100 Doanh nghiệp triển vọng tăng trưởng Việt Nam. (Ảnh trong bài: ĐVCC)

Có thể nói, khó khăn hiện nay thường xảy ra khi rơi vào những tình huống có thể chưa có quy định rõ ràng của pháp luật. Do đó, cần sự nỗ lực và chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như cán bộ, công chức, viên chức thì mới có thể hỗ trợ được DN.

Cũng phải chia sẻ rõ ràng thế này. Lâu nay chúng ta vẫn thường nói “làm đúng theo quy định”. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở câu chuyện làm đúng theo quy định thì chưa đủ. Bởi có những điều pháp luật không thể quy định hết. Nếu pháp luật luôn là một cộng một bằng hai, thì chúng ta không cần phải bàn đến câu chuyện giữa quản lý nhà nước và phía DN. Nhưng có rất nhiều quy định và hệ quả chéo của những quy định liên quan dẫn đến nhiều cán bộ “né tránh”, không làm vì lo có thể rủi ro, có thể sai hoặc chưa đúng theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, từ góc độ DN, thời gian là tài sản. Thậm chí, ngay cả khi DN có thể chấp nhận câu trả lời “không” để tìm phương án khác. Nhưng nhiều trường hợp đáp lại chỉ là sự im lặng hoặc câu trả lời là “đợi quyết định” hoặc “chờ” văn bản chỉ đạo, “chờ” văn bản hướng dẫn. Đây mới là những vấn đề mà DN hiện nay gặp phải và đang rất mong các cơ quan quản lý nhà nước có thể giải quyết nội tại của vấn đề.

Vậy ông có đề xuất gì để DN có thể thuận lợi hơn khi thực hiện các TTHC?

- Tôi nghĩ rằng chúng ta nên rõ ràng hơn với nhau. Ví dụ, hiện có hiện tượng có những cơ quan từ chối nhận hồ sơ, nhưng khéo léo hơn. Có thể người ta nhận hồ sơ bản mềm để xem trước, trong quá trình đó, đơn vị khuyến nghị DN không nên nộp bản chính thức. Khi nào tất cả thủ tục xong, DN mới nên nộp vào cửa chính thức. Như vậy, về mặt xử lý hồ sơ, có khi chỉ mất khoảng ba tuần theo quy định. Nhưng thực tế, DN đã phải chờ khoảng 1 - 2 tháng.

Cần phải ghi nhận các mốc để xử lý công việc, đánh giá chất lượng và hiệu quả của cán bộ, công chức, viên chức trong việc xử lý công việc. Hiện nay, các nhân viên, cán bộ ngân hàng cũng có KPI, một ngày phải xử lý được bao nhiêu giao dịch, một giao dịch mất bao nhiêu giờ đồng hồ. Tôi mong rằng hệ thống quản lý của Nhà nước cũng sẽ phải xây dựng được các tiêu chuẩn quản lý như vậy.

Chiến lược và hệ thống chính sách hỗ trợ cần rõ nét hơn

Hiện nay, kinh tế tư nhân đang được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam. Các chính sách đã và đang được Nhà nước xây dựng để tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế tư nhân phát triển. Theo ông, DN tư nhân nên làm gì để nắm bắt cơ hội này?

- Tôi nghĩ rằng ở thời điểm này, nền kinh tế của Việt Nam đang có nhiều điều kiện để phát triển nhưng các DN tư nhân vẫn chưa đáp ứng được về mặt quy mô. Bởi với sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, lợi thế về mặt quy mô đang là một trong những yếu tố tạo đà và thuận lợi cho DN phát triển. Nếu chúng ta cứ mãi là những DN tư nhân với quy mô nhỏ, thì chúng ta sẽ không bao giờ có được lợi thế để cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là với thị trường đang mở lớn như hiện nay. Nếu khối DN tư nhân vẫn chỉ bằng lòng là DN nhỏ và vừa, thì đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ không đủ khả năng để cạnh tranh trên thị trường.

Nói riêng trong lĩnh vực logistics, nếu chúng ta cứ giữ mãi quy mô chỉ nhỏ và vừa, thì rõ ràng dần dần các khu vực kho, bãi có diện tích lớn sẽ về tay các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các nhà đầu tư về kho bãi của Việt Nam chỉ bằng lòng với quy mô nhỏ thì chúng ta chỉ làm được với những khách hàng nhỏ, manh mún. Do đó, phải khẳng định, lợi thế về mặt quy mô lớn sẽ làm thay đổi cục diện của các DN tư nhân trong từng ngành. Chúng ta cần phải “dám lớn” mới có thể cạnh tranh được trong giai đoạn hiện nay và sau này.

Ngoài ra, để tạo ra một môi trường thuận lợi cho DN tư nhân phát triển, tôi nghĩ rằng tính chiến lược và hệ thống chính sách hỗ trợ khối này cần phải rõ nét hơn nữa. Chúng ta cần đi một chặng đường dài hơn, cụ thể hơn rất nhiều. Ví dụ như câu chuyện về ưu đãi thuế hoặc về cơ sở hạ tầng, cũng như các quy định phát triển cơ sở hạ tầng để DN có thể phát triển. Cần có một cam kết lâu dài, chắc chắn, rõ ràng thì DN mới dám đầu tư, dám mạo hiểm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm