Doanh nghiệp tư nhân: Luôn tiên phong khi Tổ quốc cần

(PLVN) - Điểm sáng trong mùa dịch Covid-19 là hình ảnh nhiều doanh nghiệp vừa căng mình duy trì hoạt động kinh doanh, vừa tiên phong thực hiện trách nhiệm xã hội, sát cánh cùng cộng đồng. Bản lĩnh Việt Nam đang âm thầm được thắp sáng từ sự kiên cường của khối kinh tế tư nhân. 

Lặng thầm góp sức chống dịch

Cơn bão Covid-19 bất ngờ ập đến, doanh nghiệp điêu đứng. Nhiều cuộc khảo sát quy mô lớn trên cả nước đã chỉ ra sự thật đắng lòng rằng “phơi nhiễm” Covid-19 với doanh nghiệp và nền kinh tế đang diễn biến trầm trọng không thua kém gì mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh trên cơ thể người. Thậm chí thời gian phục hồi còn lâu hơn.

Nhưng giữa trập trùng khó khăn, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là Tập đoàn lớn vẫn tiên phong cùng Chính phủ vừa gánh vác nền kinh tế, góp phần tạo “lá chắn” vững chãi ổn định trước đòn giáng mạnh của dịch bệnh, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội.

Vượt lên cả lẽ thường của vật chất, họ đã cống hiến cho đất nước bằng tất cả những gì mình đang có, bằng cái tâm và sự chuyên nghiệp, chỉn chu đến từng chi tiết. Chỉ nói riêng hai tỉnh thành lớn là Hà Nội, TP.HCM, hàng trăm doanh nghiệp nơi đây đã hiến công, hiến của, với các sáng kiến như “ATM gạo” cứu trợ người yếu thế, tặng trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến đầu.

Hay tại Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn nổi lên như một điểm sáng an toàn với quy trình hàng không đặc biệt, đảm nhận nhiệm vụ là một trong 3 sân đầu tiên đón người từ vùng dịch về Việt Nam, giữa bối cảnh 2 sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang quá tải trầm trọng và có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Sau 2 tháng, sân bay Vân Đồn đã đón 32 chuyến bay giải cứu hành khách từ nhiều vùng dịch khác nhau trên thế giới, giúp gần 5.000 khách về nước an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

CBNV Sân bay Vân Đồn thực hiện quy trình đón tiếp an toàn đặc biệt
CBNV Sân bay Vân Đồn thực hiện quy trình đón tiếp an toàn đặc biệt 

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc CHK quốc tế Vân Đồn chia sẻ: “Tôi luôn khích lệ anh em, đây là công việc mang ý nghĩa cộng đồng và xã hội. Sân bay Vân Đồn đang góp sức cùng cả nước trong công cuộc chống dịch, ngăn ngừa mọi nguồn lây nhiễm ra ngoài cộng đồng. Dần dà, khi tâm lý anh em đã ổn định hơn, thì chính các anh em lại trang bị sẵn cho mình một tâm thế sẵn sàng, một niềm tự hào khi tham gia vào công việc ý nghĩa này”.

Việc vừa lặn lội quãng đường xa trở về nhà từ sân bay, chưa kịp bưng bát cơm đưa lên miệng, lại nhận “lệnh” điều động gấp đi đón khách. Những bữa ăn dang dở, thậm chí ôm bụng đói, hay tụt huyết áp vì thấm mệt. Hay khi đôi chân tê rần vì đứng liên tục suốt nhiều giờ mỗi lúc đón dồn dập các chuyến bay, rồi cả những lần “phi như bay” đến nơi thì chuyến bay lại bị hủy. Tất cả đều là chuyện thường như cơm bữa của anh em sân bay thời “trực chiến’. Nhưng ai cũng không nề hà, bởi một tinh thần “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. 

Ông Sáu cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là đào tạo cho nhân viên về tinh thần trước khi đào tạo về chuyên môn. Chuyên môn là rất cần thiết nhưng tinh thần, trách nhiệm, văn hóa là điều cũng rất quan trọng để tạo nên một tập thể mạnh. Trước khi đón các chuyến bay, chúng tôi phải rà soát tất cả quy trình, trang thiết bị và rà soát con người có đảm bảo phục vụ hay không. Đây là lý do tại sao chúng tôi luôn phục vụ ở tâm thế tốt nhất. Con người, phương tiện và quy trình chính là 3 mũi nhọn tạo nên sức mạnh của chúng tôi, đảm bảo cho việc khai thác sân bay tốt nhất”. 

Quy trình mà Sun Group triển khai tại sân bay Vân Đồn được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn tối ưu để tránh lây nhiễm chéo. Ngoài việc xây dựng “thần tốc” quy trình đón khách ngoài trời, sân bay Vân Đồn cũng là sân bay đầu tiên ngay lập tức triển khai phân luồng, kẻ vạch đảm bảo khoảng cách an toàn 2m khi khách xếp hàng, theo chủ trương “cách ly xã hội” mà Chính phủ chỉ đạo. 

Bản lĩnh Việt Nam nhìn từ khối kinh tế tư nhân

Giữa những tin tức không vui vì dịch bệnh, vẫn có những “ngọn lửa” của sự đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng và tình người được thắp lên như vậy.

Trong cuộc chiến chống Covid19 không còn ranh rới giữa nhà nước và tư nhân
Trong cuộc chiến chống Covid19 không còn ranh rới giữa nhà nước và tư nhân 

Những bác sĩ, chiến sĩ chống dịch và người cách ly tại “điểm nóng” Trúc Bạch hẳn sẽ không thể nào quên hàng trăm ly sữa ấm tình người và rất nhiều thực phẩm, nhu yếu phẩm của TH True Milk gửi đến trong những tháng ngày cách ly.

Hàng trăm du khách Hàn Quốc chắc chắn sẽ nhớ mãi những ân tình từ Khách sạn Bảo Minh Radiant (Quảng Ninh) khi họ sẵn sàng gạt chuyện kinh doanh sang một bên, dành toàn bộ phòng để đón người cách ly hoàn toàn miễn phí. Nếu chỉ nghĩ đến doanh thu, hẳn chị Bùi Thúy Hạnh - chủ khách sạn sẽ không “nỡ” hy sinh khách sạn mới tinh vừa khai trương từ tháng 1 để làm việc này. 

Còn trên mặt trận không tiếng súng - nơi ranh giới giữa sự nguy hiểm và an toàn chỉ cách nhau qua chiếc khẩu trang y tế mỏng manh, còn gì thiết thực hơn 15.000 chiếc khẩu trang của VietTravel dành tặng cho bệnh viện giữa lúc khan hiếm khẩu trang y tế chất lượng. Hay như ở sân bay Vân Đồn, vật chất nào sánh được những săn sóc, tận tụy của từng nhân viên sân bay với đồng bào xa xứ. Những ánh mắt đầy xúc động, nụ cười thấp thoáng sau lớp khẩu trang, tiếng hò reo “Tôi yêu Việt Nam”,… chính là câu trả lời ấm áp nhất cho những đóng góp âm thầm của họ. 

Có thể nói, từ mùa dịch Covid-19, doanh nghiệp tư nhân đã xóa bỏ hoàn toàn quan niệm chỉ doanh nghiệp Nhà nước mới có thể đảm đương thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, công ích. Như lời Thủ tướng, “quả đấm thép” có thể là doanh nghiệp tư nhân nếu doanh nghiệp Nhà nước không vươn lên.

Nhìn từ thực tế, không ít doanh nghiệp nhà nước từng biện minh cho sự thua lỗ rằng mình đang phải làm nghĩa vụ công ích. Nhưng còn khó khăn nào như Covid-19, dự báo nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến hết tháng sáu, 74% doanh nghiệp có khả năng sẽ phá sản. Dù vậy, chưa giây phút nào các DN tư nhân nề hà, ngại khó, ngại khổ khi thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Đọc thêm