Doanh nghiệp vẫn "khát" lao động chuyên môn bậc cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 12,5% người lao động muốn lương 15 - 21 triệu và gần 9,2% còn lại kỳ vọng lương trên 21 triệu đồng. Xu hướng việc làm được Bộ LĐ-TB&XH phân tích từ dữ liệu của hơn 20.100 lượt DN tuyển dụng và hơn 78.000 lao động tìm việc từ tháng 4 đến hết tháng 6.
Người lao động đăng ký thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Người lao động đăng ký thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Trả lời báo chí, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động Xã hội, đánh giá tỷ lệ lao động mong muốn lương 5 - 15 triệu đồng giảm nhẹ so với quý trước, song vẫn có gần một nửa số người tìm việc chấp nhận mức 5 - 10 triệu đồng, chủ yếu lao động giản đơn, tay nghề thấp.

Số người đi tìm việc tăng so với quý trước phần nào phản ánh khó khăn của thị trường, theo ông Toàn. Lao động rơi vào thế bất lợi vì khó thỏa thuận mức lương cao ở cùng một vị trí công việc có quá nhiều người ứng tuyển. Cạnh tranh cao hơn khiến họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn. Tín hiệu tích cực chỉ xuất hiện nếu tỷ lệ lao động mong muốn mức lương trên 10 triệu tăng cao.

Cung - cầu đang không gặp nhau trên thị trường do lao động đi tìm việc nhiều nhất thuộc các nghề môi giới bất động sản, dệt may, thực phẩm - đồ uống, kho vận, bảo hiểm. Trong khi đó, DN cần tuyển nhiều nhất là kế toán, nhân viên hành chính văn phòng, kỹ sư IT - phần mềm, dịch vụ khách hàng và quảng cáo - marketing.

Các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động nhất là thông tin truyền thông 17,5%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 13%; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy và các loại động cơ 11,7%; dịch vụ 8,8%; hành chính 8%. DN vẫn "khát" lao động chuyên môn bậc cao, chiếm trên 27% nhu cầu tuyển dụng; kế đến là lãnh đạo - quản lý trong DN, nhân sự bậc trung, nhân viên dịch vụ bán hàng. Nhóm cuối cùng thợ lắp ráp, vận hành chỉ cần khoảng 6%.

DN vẫn ưu tiên lao động có bằng cấp khi gần một nửa yêu cầu tốt nghiệp đại học trở lên. Về vị trí công việc, 69% vị trí cần tuyển là nhân viên; 14% quản lý tầm trung và 8,5% tìm nhân sự cấp cao. Ở góc độ này, nhu cầu DN "gặp" lao động khi 42% người tìm việc có bằng cử nhân trở lên. 53% ứng tuyển làm nhân viên; 28% tìm kiếm vị trí quản lý bậc trung (gấp đôi so với nhu cầu tuyển dụng) và chỉ 2% lao động tìm kiếm vị trí quản lý bậc cao.

Xu hướng cung - cầu việc làm quý II phần nào phản ánh bức tranh thị trường ảm đạm nửa đầu năm trong bối cảnh DN liên tục cắt giảm lao động từ giữa năm 2022 đến nay. Thống kê 5 tháng đầu năm 2023, lao động dệt may bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 70.000 người mất việc và gần 67.000 lao động bị giảm giờ làm, chiếm 27% số bị cắt giảm. Nơi có lao động mất việc nhiều nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản ghi nhận tình trạng ồ ạt cắt giảm nhân sự từ cuối năm 2022 do thị trường địa ốc mất thanh khoản. Hàng nghìn môi giới thất nghiệp, phải tìm công việc khác hoặc làm nhiều nghề để kiếm sống. Nhiều DN sa thải hơn một nửa số lao động, trong khi người bám trụ lại không nhìn thấy tín hiệu lạc quan nửa năm qua.

Theo ông Toàn, thị trường lao động thời gian tới tiếp tục đối mặt thách thức do tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới đơn hàng cùng những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài. Thiếu đơn hàng có thể khiến DN tiếp tục cắt giảm lao động, nhiều nhất trong các ngành sản xuất trang phục (có thể giảm tiếp 123.000 người), nông nghiệp và dịch vụ, bán lẻ. Lao động ngành xây dựng, công trình kỹ thuật cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì hoạt động đầu tư công giai đoạn này phải tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật.

"Khó khăn có thể kéo dài ít nhất tới cuối năm. Chỉ khi nào xuất khẩu hàng hóa khôi phục, thị trường lao động mới có tín hiệu khả quan", ông Toàn nhận định.

Thống kê 6 tháng đầu năm, hơn 562.600 lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tỷ lệ quý II cao gấp 1,7 lần so với quý I. Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm phát huy vai trò trợ lực cho lao động.

Đọc thêm