Bối cảnh khó của ngành vận tải biển
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 mới được tổ chức, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã phân tích những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp (DN) vận tải biển đang gặp phải trong năm 2023.
Cụ thể, lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia làm tăng gánh nặng lên nền kinh tế thế giới. Việc đóng cửa nền kinh tế để phòng ngừa dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu năng lượng hoá thạch như than sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm hàm lượng khí thải từ hoạt động sản xuất thép và tránh phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu bằng việc đẩy mạnh tiêu thụ sản lượng nội địa cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhu cầu vận chuyển bằng đường biển.
Bên cạnh đó, nguồn cung tàu tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thị trường vận tải tàu hàng rời và tàu container. Thị trường tàu dầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm 2023 như việc áp giá trần đối với dầu của Nga đến từ các quốc gia phương Tây, tình trạng bất ổn nguồn cung dầu của Nga, sự thay đổi trong chính sách cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc...
Khối cảng biển đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi nhiều địa phương và DN tiếp tục triển khai các dự án đầu tư và xây dựng cảng biển để hoàn thiện và mở rộng hoạt động. Trong khi đó, nguồn hàng có nguy cơ suy giảm sau một năm bùng nổ do nhiều yếu tố (dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, chính sách…).
Ngoài ra, còn các yếu tố khác tác động đến thị trường vận tải biển năm 2023 như những quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) liên quan tới Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra. Công ước mới được đánh giá sẽ tiếp tục tác động tới thị trường vận tải biển trong năm 2023 trong bối cảnh phần lớn đội tàu toàn cầu hiện chưa đáp ứng được nhu cầu mới về hàm lượng khí thải.
Sự thay đổi với chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là những rủi ro lớn với giá cước tàu hàng khô và container. Mặt khác, nhu cầu container giảm nhanh do suy thoái kinh tế toàn cầu cũng vẫn tác động lớn tới giá cước trong trung và dài hạn. "Biến động mạnh về giá dầu trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn như hiện nay sẽ làm tăng chi phí hoạt động khai thác tàu, sẽ tác động mạnh mẽ tới doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023" - lãnh đạo VIMC đánh giá.
Doanh nghiệp đồng loạt giảm lợi nhuận
Từ những phân tích về thị trường, VIMC buộc phải lên kế hoạch giảm cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023. Cụ thể, kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 13.354 tỷ đồng (bằng 87% thực hiện năm 2022), lợi nhuận hợp nhất đạt 2.330 tỷ đồng (bằng 76% thực hiện năm 2022).
Cùng với đó, VIMC sẽ tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả bền vững, ưu tiên với các dự án trọng điểm như đảm bảo tiến độ bến 3, 4 Lạch Huyện, hoàn thành tiến độ các thủ tục cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), phát triển đội tàu container. Đối với hoạt động vận tải, DN đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới khách hàng; đồng thời tập trung tái cấu trúc các DN cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics.
Theo tìm hiểu, nhiều DN kinh doanh vận tải biển khác cũng thận trong đưa ra kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Cụ thể, Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An lên kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 đi lùi với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.960 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 492 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 40% so với thực hiện năm trước. Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 dự kiến là 1.597 tỷ đồng, giảm 37,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế ở mức 197,7 tỷ đồng, giảm hơn 67% so với năm trước…
Điều đáng nói, theo nhận định của một số chuyên gia, kết quả kinh doanh của hãng tàu có độ trễ nhất định với biến động của giá cước vận tải biển do các hợp đồng thuê tàu định hạn thường được ký từ 6 - 12 tháng. Do đó, tác động của việc giảm giá cước vận tải biển sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh các DN vận tải biển Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, triển vọng hoạt động cảng biển Việt Nam tương đối ảm đạm, nhất là trong tương lai gần. Giá trị nhập khẩu giảm sâu hơn giá trị xuất khẩu, bên cạnh tác động từ yếu tố giá, có thể hàm ý rằng các các đơn đặt hàng xuất khẩu còn khá yếu khiến DN xuất nhập khẩu vẫn chưa sẵn sàng cho việc nhập khẩu để tích trữ tồn kho nguyên liệu sản xuất.