Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn AEON Nhật Bản tổ chức ngày 23/4.
Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty AEON Topvalu Việt Nam, cho biết Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao, đặc biệt là các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng như dệt may, dày dép, thủy sản, nông sản, thực phẩm, đồ nhựa, gỗ… Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng của AEON tại Việt Nam mà còn trở thành nhà cung ứng cho hệ thống hơn 1.000 siêu thị AEON trên toàn cầu, Tập đoàn AEON đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt gồm nhiều hoạt động như mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống.
Đồng thời, AEON cũng từng bước hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất của nhà cung ứng Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn của AEON và riêng thị trường Nhật Bản; hỗ trợ tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng Nhật và tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống tại Nhật Bản và các nước.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu -châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận các khách hàng Nhật Bản, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống phân phối của AEON với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Bà Hiền nhấn mạnh, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản là rất lớn nhưng đây cũng chính là thị trường đòi hỏi những yêu cầu chất lượng thuộc hàng khắt khe nhất thế giới. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương tự đến từ nhiều doanh nghiệp khác trên khắp thế giới.