Đầu tháng 8 vừa qua, dịch vụ xe Go-Viet chính thức xuất hiện ở đường phố với sắc màu đỏ, chuyên vận chuyển hành khách và hàng hóa. Go-Viet là công ty con của Go-Jek, cung cấp dịch vụ kết nối vận chuyển đặt xe bốn bánh và hai bánh, được giới thiệu là có “nền tảng công nghệ tiên tiến thế giới”.
Như vậy, với sự xuất hiện của Go-Viet thì Grap sau khi “thôn tính” Uber đã không còn thế độc quyền ở thị trường “xe ôm số” tại Việt Nam. TP HCM là địa phương đầu tiên được Go-Viet chọn thí điểm. Cụ thể, sau khi xuất hiện, Go-Viet đã tung nhiều chiêu khuyến mại, khiến “ông lớn” Grap ít nhiều hụt mất thị phần. Theo đó, trong vòng bán kính 8km từ điểm đón đến điểm đến, khách hành chỉ cần trả 5.000 đồng khi gọi xe qua ứng dụng Go-Viet.
Không chỉ đánh vào dịch vụ giá rẻ đối với khách hàng, Go-Viet còn biết chăm lo thu nhập cho người lao động thông qua chương trình khuyến mại 5.000 đồng/cước thu từ khách thì Go-Viet còn hỗ trợ thêm cho chủ xe 25.000 đồng để đảm bảo thu nhập.
Như vậy, nếu trong ngày một “xe ôm” chạy 10 cuốc thì thu nhập được 300.000 đồng, chạy 20 cuốc thì thu nhập 600.000 đồng. Do được hỗ trợ thu nhập nên nhiều người đang chạy Grap đã chuyển sang chạy Go-Viet. Mới đây, chương trình khuyến mãi 5.000 đồng chạy bán kính 8km được nâng lên thành 9.000 đồng. Dự kiến, đầu tháng 9 này, Go-Viet sẽ mở rộng thị trường ra Hà Nội.
Trước các chương trình giảm giá, khuyến mại của Go-Viet, Grap cũng tung ra các chương trình khuyến mại nhằm giữ khách và giữ chân người lao động. Theo đánh giá, tới đây, cuộc cạnh tranh giữa Grap và Go-Viet sẽ ngày càng gay gắt tại các đô thị Việt Nam.
Trong khi các DN ngoại đua nhau cạnh tranh ở Việt Nam thì các DN nội thuộc lĩnh vực này lại tỏ ra im ắng và yếu thế. Các ứng dụng như Mai Linh bike, VATO, ABER, FastGo… của các DN trong nước đã xuất hiện nhưng sức cạnh tranh yếu và chưa định vị được tên tuổi.
Trao đổi với PLVN, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, trước khi vào Việt Nam, các DN đã nghiên cứu rất kỹ thị trường Việt Nam, trong đó có nghiên cứu DN Việt; họ thấy đủ sức cạnh tranh mới dám đầu tư với số tiền rất lớn. “Điều này cho thấy họ đánh giá thấp tính cạnh tranh của DN Việt Nam”, ông Liên nói và cho biết, trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh, DN nào mang lại lợi ích và tiện lợi cho người tiêu dùng thì sẽ thắng thế. “Anh nào thông minh hơn, đầu tư chất xám và công nghệ tốt hơn thì sức cạnh tranh tốt hơn”, lời ông Liên.
Cũng theo vị này, trong lĩnh vực gọi xe bằng áp dụng phần mềm công nghệ, DN Việt muốn thành công thì ngoài yếu tố vốn cần có chiến lược nghiên cứu thị trường bài bản, làm chủ được công nghệ và có hình thức kinh doanh chuyên nghiệp, vì người dân và người lao động.
Ông Liên cho rằng, Go-Viet mới bắt đầu hoạt động ở Việt Nam, chưa đủ thời gian kiểm nghiệm nên chưa thể đánh giá dịch vụ của đơn vị này tốt hay không, nhưng việc xuất hiện của những DN như thế này là cần thiết để phá thế độc quyền, tăng tính cạnh tranh và sự lựa chọn cho khách hàng.