Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc khánh kiệt vì Covid-19

(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực hẻo lánh ở Tây Nam Trung Quốc, cách Vũ Hán tận 1.900km cũng đang phải rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực hẻo lánh ở Tây Nam Trung Quốc, cách Vũ Hán tận 1.900km cũng đang phải rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Lao đao vì dịch bệnh 

Cách đây hơn 2 tháng, cô Yao Tonghua đã đi vay mượn khắp nơi mới gom được số tiền 10.000 USD. Số tiền này cô thuê một tòa nhà 5 tầng và ấp ủ sẽ biến nó thành thánh địa đồ ăn Tứ Xuyên. Thế nhưng, nỗi niềm ấp ủ này tan biến khi dịch bệnh Corona bùng phát và ngày càng lan rộng. 7 đầu bếp cô thuê về hiện đang ngồi quanh những chiếc bàn trống dành cho 100 thực khách, rau thối trong sân, những con cá không còn sức sống bơi trong bể nước đục… 

Yao nghĩ rằng, dịch bệnh chỉ giới hạn ở Vũ Hán và ở nơi xa xôi như quê hương cô sẽ ít bị ảnh hưởng. Yao định sang nhượng cửa hàng để giảm bớt thiệt hại, thế nhưng khó có ai muốn mua lại tại thời điểm này. “Càng ngày tôi càng thấy tuyệt vọng”, cô nói. 

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn phức tạp, giới chức và các nhà kinh tế Trung Quốc không khỏi lo ngại về sức tàn phá mà dịch bệnh gây ra đối với một bộ phận quan trọng của nền kinh tế: Vô số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng 80% lao động Trung Quốc và tạo ra 68% doanh thu quốc gia.

“Hiện chỉ có 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc hoạt động trở lại. Kinh tế đất nước đang rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng”, Shu Chaohui, một quan chức từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc chia sẻ. 

Một cuộc thăm dò hồi tháng 2 do Đại học Bắc Kinh thực hiện chỉ ra rằng, 1/2 doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc sẽ hết tiền trong vòng 3 tháng nếu không hoạt động và 14% không thể tồn tại tới giữa tháng 3 năm nay. Không giống như các tập đoàn lớn hay công ty đa quốc gia với tiềm lực kinh tế lớn, còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể bám trụ được lâu, đơn giản không có đủ dự trữ tiền mặt để trả lương nhân viên và thuê mặt bằng. 

Trong khi các tập đoàn lớn như Apple có thể dựa vào chính phủ để thuê xe buýt hay tàu điện ngầm để đưa công nhân trở lại làm việc tại các nhà máy. Thế nhưng gần 40% doanh nghiệp nhỏ nói rằng, họ không đủ khả năng đưa công nhân của họ trở lại làm việc gì giao thông bị hạn chế,  kiểm dịch gắt gao…

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng cho những doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương này. Các bộ và cơ quan quản lý đã yêu cầu ngân hàng nới rộng khoản vay cho những doanh nghiệp thiếu tiền mặt, đề nghị bên cho vay đẩy lùi thời hạn trả nợ hay bỏ qua khi thanh toán lãi bị trễ hẹn. Các doanh nghiệp cũng được xóa bỏ một số yêu cầu bắt buộc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các chính sách đưa ra vẫn bị hạn chế nhiều khu vực của Trung Quốc bị phong tỏa, sự hoang mang về dịch vẫn bao trùm khắp nơi. Người  dân mang tâm lý sợ hãi, không muốn ra ngoài và chi tiêu. 

Tự tìm cách tồn tại 

Thời điểm này, nhằm hạn chế những bất ổn, giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm mọi cách trấn an người dân. Giới chức đã đặt ra hạn chót tới cuối tháng 4 phải khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Trên sóng truyền hình quốc gia, một quan chức ngân hàng trung ương đã liệt kê không dưới 30 biện pháp chính sách để giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, trong số đó, nhiều biện pháp nhắm tới doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Nhưng thay vì nằm chờ đợi sự hỗ trợ từ các biện pháp của chính phủ, trên khắp Trung Quốc, một vài doanh nghiệp nhỏ đang thắp lên hy vọng sống sót bằng những sáng tạo. Cụ thể, do doanh số sụt giảm tới 80%, Owspace, một chuỗi nhà sách và không gian văn hóa phổ biến với giới nghệ thuật và văn học ở đô thị Trung Quốc đã kêu gọi người yêu sách quyên góp trực tuyến cho họ số tiền từ 7 đến 1.100 USD mỗi người.

Hay để cứu chuỗi cửa hàng bánh lâu đời Comptoirs de France, những người nước ngoài ở Bắc Kinh mới đây đã phát động một chiến dịch gây quỹ cộng đồng trên trang GoFundMe để quyên góp 330.000 USD.

Còn tại một căn hộ ở Vũ Hán, Zuo Weiwei, nhà kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trực tuyến, cho biết tình trạng tắc nghẽn và khủng hoảng trong ngành vận tải Trung Quốc đã buộc cô phải ngừng hoạt động buôn bán của mình. “Hàng chục khách đặt hàng từ trước đã yêu cầu tôi hoàn tiền. Tôi không thể duy trì công việc bán hàng nữa”, Zuo nói. 

Hàng trăm thùng mặt nạ làm đẹp, thực phẩm chức năng nằm chất đống trong căn hộ của cô. Zuo cho biết với tình hình hiện nay, cô buộc lòng phải từ bỏ. “Tôi không còn hy vọng kiếm tiền từ bán hàng trực tuyến nữa. Tôi chỉ mong ước một điều duy nhất, đó là tôi và gia đình không bị nhiễm bệnh”, Zuo chia sẻ.