Doanh nghiệp xã hội: Quy định chưa được gọi tên

(PLVN) - Khảo sát của trường Đại học kinh tế Quốc dân cho thấy, cả nước có 54 doanh nghiệp xã hội (DNXH) được thành lập theo Luật DN và trên thực tế có đến 50 nghìn DN có tác động XH theo nghĩa rộng nhưng các DNXH này vẫn đang mò mẫm hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý với các quy định chưa được gọi tên…
Theo Giám đốc Sapa O’Chau Tần Thị Su, nếu chỉ được vay 50 triệu đồng như hiện nay thì DN chỉ làm được nhà vệ sinh chứ không thể làm cái nhà đẹp để đón khách
Theo Giám đốc Sapa O’Chau Tần Thị Su, nếu chỉ được vay 50 triệu đồng như hiện nay thì DN chỉ làm được nhà vệ sinh chứ không thể làm cái nhà đẹp để đón khách

Khó đủ đường…

Không chỉ là những số liệu báo cáo, tại Hội thảo “DNXH cộng đồng: Thực trạng và giải pháp”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây có sự xuất hiện của chị Tần Thị Su, Giám đốc DNXH du lịch Sapa O’Chau (Lao Cai).

Chính thức thành lập theo Luật DN vào năm 2011 nhưng trước đó Tần Thị Su đã sáng lập và trực tiếp điều hành Sapa O’Chau từ năm 2007, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sa Pa, Lào Cai). Sau hơn 10 năm, ngoài văn phòng chính và khách sạn 10 phòng ở Sa Pa, Sapa O’Chau đã có văn phòng đại diện ở Hà Nội; kết nối khách du lịch cho 18 homestay ở Sa Pa; tạo việc làm cho 50 người, chủ yếu là bà con dân tộc địa phương. Còn Giám đốc Tần Thị Su từng có mặt trong danh sách “30 Under 30” 2016 do Forbes Việt Nam bình chọn…

Mặc dù đã chính danh và có chỗ đứng trong lĩnh vực du lịch, song theo Tần Thị Su, DN vẫn “khó đủ thứ”.

 “Chúng tôi muốn đầu tư vào các homestay ở trong bản, để đưa khách du lịch vào bản, nhưng Ngân hàng Chính sách chỉ cho vay 50 triệu đồng. Chúng tôi vay cũng là gánh nặng rồi, phải làm thật tốt để trả, nếu được vay 100 - 200 triệu đồng để đầu tư thì mới hiệu quả và cũng không làm lãng phí vốn của Nhà nước”, Tần Thị Su nói.

Không chỉ khó khăn về vốn, một loạt khó khăn khác cũng “đeo bám” DNXH này như rào cản về ngôn ngữ, trình độ nhân lực, khó tiếp cận thông tin, nguồn lực đất đai để phát triển. Đặc biệt, thủ tục pháp lý rắc rối mà không biết tìm đến đâu để được giải thích rõ ràng…

Luật có “điểm danh”, chính sách chưa có…

Theo Luật DN, DNXH phải đáp ứng các tiêu chí: là DN đăng ký theo Luật DN; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề của XH, môi trường như đã đăng ký, sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư thực hiện mục tiêu XH, môi trường như đã đăng ký.

Theo nghĩa rộng, DN, tổ chức, đơn vị, cộng đồng tham gia thực hiện giải quyết các vấn đề XH, môi trường vì lợi ích cộng đồng, có thể là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Trên thực tế, chỉ riêng việc những DNXH phải tính toán lợi nhuận để lại cho hoạt động XH cũng không đơn giản, chứ chưa nói phải bóc tách 51%, nhất là khi trong Luật DN không làm rõ căn cứ trên lợi nhuận trước thuế hay sau thuế… 

Luật DN 2014 quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển DNXH và Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), đại diện Nhóm nghiên cứu về DNXH của CIEM, chính sách hỗ trợ cho DNXH của T.Ư rất nhiều nhưng không cụ thể, tất cả đều là những chính sách chung chung. Trong khi đó, ở địa phương các kế hoạch hành động cũng trong tình trạng tương tự, chỉ đơn thuần nhắc lại nội dung chính sách từ các văn bản của T.Ư. “Có thể nói chính sách chưa đến được DNXH cộng đồng…”, bà Thảo nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu, chính sách hỗ trợ dành cho DN không thiếu, từ tiếp cận đất đai, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, đào tạo, tư vấn pháp lý… nhưng, không có quy định nào nhắc đến DNXH. “Khi chúng tôi mời họp, nhiều người nói là phải lên Google để tìm hiểu về DNXH. Khái niệm mà các chuyên gia tiếp cận về DNXH chủ yếu là từ định nghĩa trong Luật DN, trong khi thực tế mô hình này đa dạng và rộng hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng đã đề nghị Ban Soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN xem xét sửa các quy định liên quan đến DNXH trong lần sửa đổi này, mở rộng khái niệm DNXH sang các văn bản pháp luật về kinh doanh khác”, bà Thảo cho hay.

Còn Giám đốc Sapa O’Chau Tần Thị Su đề xuất, “Chúng tôi cũng không biết tìm ở đâu các quy định dành cho DNXH, không biết tìm đến cơ quan nào để có được các thông tin này. Chúng tôi muốn có một ban tư vấn cấp tỉnh hoặc cấp huyện dành cho các DN XH, các DN nhỏ, các mô hình khởi nghiệp tại cộng đồng như chúng tôi”.

Cải cách điều kiện kinh doanh là vấn đề sống còn

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM, DNXH có mỗi thuận lợi là sự tự tin và khát vọng, còn khó khăn thì vô vàn. Để tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là DNXH, phát triển thì cải cách điều kiện kinh doanh là vấn đề sống còn. 

Tra nhanh điều kiện kinh doanh du lịch, Phó Viện trưởng CIEM giật mình với quy định DN muốn kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế thì phải ký quỹ 250 triệu đồng, phải có 4 năm kinh nghiệm… “Đây là những quy định đánh đố với DNXH khi như Giám đốc Sapa O’Chau nói chỉ vay được 50 triệu đồng và với điều kiện về kinh nghiệm như thế này thì một người phải nghỉ học rất sớm để bán hàng như cô bé Su ngày trước không thể nghĩ tới…”- ông Hiếu phân tích.

Đọc thêm